Lưu trữ

Posts Tagged ‘Kinh tế’

Không chủ quan với lạm phát

Tháng Bảy 13, 2012 Bình luận đã bị tắt

Nếu chủ quan với chỉ số lạm phát khả quan trong nửa đầu 2012 mà nới lỏng tài khóa, tiền tệ, chúng ta dễ lặp lại kịch bản của năm 2009, 2010: lạm phát quay trở lại ngay sau khi có một năm khống chế thành công ở mức 6,88%.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, lạm phát được kiềm chế ở mức rất thấp, tính chung 6 tháng đầu năm 2012, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng có 2,52%. Nhiều tháng mức tăng không đáng kể, có tháng chỉ số tăng giá âm (tháng 1 tăng 1%, tháng 2 tăng 1,37%, tháng 3 tăng 0,16%, tháng 4 tăng 0,05%, tháng 5 tăng 0,18%, tháng 6 giảm (-) 0,26%). Đây là cơ sở để tin tưởng, chỉ số giá tiêu dùng cả năm giữ ở mức 7-8% như Nghị quyết Chính phủ đã đề ra và tạo cơ sở cho việc thực hiện chính sách tài khóa thúc đẩy tăng trưởng, chính sách tiền tệ nhằm giảm chi phí lãi vay vốn trong những tháng còn lại của năm.

Điều đặc biệt: lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, việc tăng lương và phụ cấp công vụ hầu như không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng, thậm chí lương tăng nhưng giá tiêu dùng lại giảm (âm 0,26%). Việc tăng lương thêm 26,5% và tăng phụ cấp công vụ thêm 15%, đưa mức thu nhập của người hưởng lương và phụ cấp công vụ tăng thêm khoảng 40% kể từ ngày 1/5/2012. Điều này tạo cơ sở cho việc cải thiện thu nhập thực sự của người hưởng lương.

Tuy nhiên, trong khi đạt thành tựu rất tốt về kiềm chế lạm phát thì 6 tháng đầu năm 2012, tăng trưởng GDP lại rất khiêm tốn: đạt thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước và thấp hơn so với kế hoạch đề ra. GDP bắt đầu có xu hướng cải thiện hơn trong quý II (GDP quý I/2012 đạt 4%, quý II/2012 đạt khoảng 4,66%). Tính chung, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 4,38%.

Trước thực tiễn trên, có ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ, rót vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng, còn mục tiêu kiềm chế lạm phát đã hoàn thành, không cần phải duy trì.

Tuy nhiên, nhìn nhận thấu đáo, lạm phát ở Việt Nam dù đã đạt được kết quả tích cực nói trên, nhưng các yếu tố “ngòi nổ” gây lạm phát cao trở lại là rõ rệt nếu chủ quan. Nhìn lại 5 năm qua, lạm phát diễn biến thất thường. Năm 2008, lạm phát ở mức cao 22,97%, nhưng 2009 giảm chỉ còn 6,88%, đến 2010 lại tăng lên 11,75% và 2011 tăng cao 18,65%. Trong các nguyên nhân gây lạm phát, nguyên nhân chính sách tài khóa, tiền tệ được cho là nguyên nhân cơ bản. Bởi vậy, nếu chủ quan với chỉ số lạm phát khả quan trong nửa đầu 2012 mà nới lỏng tài khóa, tiền tệ, chúng ta dễ lặp lại kịch bản của năm 2009, 2010: lạm phát quay trở lại ngay sau khi có một năm khống chế thành công ở mức 6,88%. “Lạm phát được dự báo có xu hướng đi xuống trong năm nay, phản ánh việc thắt chặt chính sách và diễn biến tích cực của chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2011 và các tháng đầu năm 2012. Tuy nhiên, triển vọng này có thể gặp rủi ro nếu Chính phủ nới lỏng chính sách quá nhanh dẫn tới bất ổn đối với thị trường ngoại hối” – Chuyên gia kinh tế ADB – Dominic Mellor khuyến cáo.

Chính vì vậy, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: quan điểm nhất quán trong những tháng cuối năm 2012 vẫn là kiên định các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm. Theo đó, tiếp tục dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, việc ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ cho năm 2012 mà còn cho cả các năm tiếp theo, đây cũng là nền tảng để duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững. Đồng thời, tập trung thúc đẩy, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; thúc đẩy tăng trưởng nhưng phải đạt yêu cầu không gây bất ổn kinh tế vĩ mô, không làm lạm phát cao trở lại, không vì tăng trưởng mà để lạm phát cao cho những năm tiếp theo. Với tinh thần như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ, phù hợp với các cân đối vĩ mô, điều hành ổn định tỷ giá

Đăng Minh
cand.com.vn

Diễn đàn Việt Nam – Mỹ La Tinh về thương mại và đầu tư

Tháng Bảy 1, 2012 Bình luận đã bị tắt

Theo Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết, từ ngày 5/7 – 6/7 sẽ diễn ra Diễn đàn Việt Nam – Mỹ Latinh về Thương mại và Đầu tư. Đây là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội.

Sự kiện này nhằm thúc đẩy thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ Latinh có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Đến nay, đã có 16 nước Mỹ Latinh thông báo cử đoàn tham dự ở cấp Bộ trưởng và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và đã có trên 200 doanh nghiệp của Việt Nam và Mỹ Latinh đăng ký tham gia. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Ngay sau lễ khai mạc diễn đàn sẽ có một hội thảo tổng quan và hai hội thảo chuyên đề, tập trung thảo luận các chủ đề: “Môi trường kinh doanh đầu tư Việt Nam- Mỹ Latinh” “Kết nối giao thông, hậu cần, viễn thông và dịch vụ Việt Nam – Mỹ Latinh” và “Đối tác nông nghiệp và năng lượng Việt Nam – Mỹ Latinh”.

Được biết, hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các nước ở khu vực Mỹ Latinh trong những năm qua không ngừng gia tăng, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 17 lần trong 10 năm qua – từ 300 triệu USD năm 2000 lên 5,1 tỷ USD vào năm 2011. Cùng với tiềm năng và thế mạnh có thể bổ sung cho nhau, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Mỹ Latinh đang có nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa.

Ngoài ra, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nơi diễn ra sự kiện quan trọng này sẽ có không gian trưng bày, quảng bá, giới thiệu đất nước, con người, văn hóa cũng như các sản phẩm của Việt Nam và các nước Mỹ Latinh .

Hải Châu
cand.com.vn

Kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn

Tháng Sáu 16, 2012 Bình luận đã bị tắt

“Nền kinh tế nước ta từng bước vượt qua giai đoạn rất khó khăn, mặc dù trước mắt còn nhiều trở ngại, thách thức…” Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước cử tri cả nước trong buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 15/6.

>> Thực hiện nghiêm pháp luật, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh

Tiếp đó, Phó Thủ tướng đã lần lượt giải đáp các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về những vấn đề lớn, như các chính sách an sinh xã hội, lao động việc làm, tái cơ cấu nền kinh tế, chính sách trọng dụng nhân tài và kiện toàn các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước làm ăn thua lỗ…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN.

Đừng… “hành” dân

Đề án cải cách hành chính đã có từ nhiều năm nhưng cử tri còn lo ngại về bộ máy cồng kềnh, nhiều cán bộ còn… hành dân, còn yếu tố tiêu cực. Vậy giải pháp nào để người dân được hưởng lợi từ dự án này? Cán bộ thì nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân tốt hơn? Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) mở đầu buổi chất vấn. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải trình, đề án cải cách thủ tục hành chính thực sự đã tạo môi trường kinh doanh tốt hơn. Và hiện nay đang tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện môi trường kinh doanh đầu tư, trong đó có cải cách hành chính. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tích cực xử lý các kiến nghị của cử tri, áp dụng một cửa liên thông ở các cấp, nhưng nếu cán bộ còn tiêu cực, tham nhũng thì không thể có hiệu quả”. Muốn cải cách hành chính đạt hiệu quả cao thì các cấp ủy phải tập trung giải quyết, đặc biệt nơi người dân bức xúc… Mỗi thắc mắc của người dân, một hiện tượng không tốt trong xã hội đều có liên quan đến Chính phủ. Vì vậy, các Bộ, ngành liên quan cần quản lý tốt hơn để chống hiện tượng… hành dân.

Nền kinh tế nước ta đang gặp nhiều khó khăn thách thức, tái cơ cấu nền kinh tế sẽ khiến không ít người dân mất việc làm. Vậy Chính phủ có những giải pháp hữu hiệu nào để lạm phát không trở lại, đời sống người dân được đảm bảo, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nêu câu hỏi. Phó Thủ tướng khẳng định rằng, nền kinh tế nước ta đã từng bước vượt qua giai đoạn rất khó khăn. Tháng 5, số doanh nghiệp phá sản ít hơn. Xuất nhập khẩu và bán lẻ trong tháng 5 đều tốt hơn tháng 4 về các chỉ số. Hàng tồn kho đã giảm. “Ta đã qua giai đoạn khó khăn nhất, có xu hướng phát triển tốt”, Phó Thủ tướng nêu rõ. Đã có gói hỗ trợ 29 ngàn tỉ đồng, tới đây, vốn Nhà nước đưa vào nền kinh tế từ nay đến cuối năm bình quân mỗi tháng khoảng 21 ngàn tỉ đồng. Đó là nguồn lực quan trọng để giải quyết việc làm.

Sao không minh bạch ở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước?

Những câu hỏi được đặt ra khi những sự việc xảy ra ở một số tập đoàn từ PMU18 đến Vinashin, Vinalines nếu không khắc phục thì “Việt Nam là nước không phát triển chứ không phải chậm phát triển”. Nhiều đại biểu lo lắng về tính minh bạch ở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn tính công khai minh bạch vì sao chưa làm được, chỉ rõ khi có thanh tra vào cuộc? Đó cũng là nỗi bức xúc của nhiều đại biểu và cử tri.

Phó Thủ tướng cho rằng đó là một yêu cầu chính đáng, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải công khai minh bạch. Phó Thủ tướng khẳng định trước các đại biểu Quốc hội: Có cơ chế quản lý công khai minh bạch hơn, làm rõ trách nhiệm của các Bộ ngành liên quan, chậm nhất là trong quý 3 sẽ có quy chế về quản lý tập đoàn, tổng công ty Nhà nước về tính công khai minh bạch.

Phải có cơ chế thu hút nhân tài

“Vấn đề lâu nay vẫn cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, đó là công tác cán bộ và kỷ luật, kỷ cương trong quá trình thực thi công vụ, Nhưng một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới”, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) bức xúc. Và ông hỏi vì sao có thực trạng này? Chính phủ sớm có giải pháp ra sao?

Phó Thủ tướng trả lời thẳng vấn đề, bên cạnh những đóng góp to lớn của đội ngũ công chức, năng lực và trình độ của một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Vẫn còn những người quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu, có bộ phận tham nhũng, tiêu cực làm mất uy tín của đội ngũ cán bộ và của Đảng, Nhà nước. Để giải quyết triệt để, Phó Thủ tướng nêu giải pháp: “Phải tiếp tục nâng cao năng lực trí tuệ, năng lực hành động đi sát với thực tiễn cuộc sống để quyết định những quyết sách cần thiết đối với nhân dân mà không sợ trách nhiệm, không sợ mất chức, mất ghế…”.

Để công cuộc chống tham nhũng mang lại hiệu quả hơn, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) hỏi “khâu đột phá” là gì? Trước khi Phó Thủ tướng trả lời câu hỏi của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu quan điểm: “Một, hoàn thiện hệ thống pháp luật; hai, quan tâm đặc biệt tới công tác cán bộ, tiêu chuẩn, đạo đức, lối sống; ba, luật trọng dụng nhân tài”. Chủ tịch Quốc hội hỏi quan điểm của Phó Thủ tướng thế nào? Phó Thủ tướng rất đồng tình quan điểm trên, và một điểm nữa là giám sát tốt hơn nữa để không lọt những cán bộ không tốt, mang tư tưởng tham nhũng trong bộ máy Nhà nước. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải có cơ chế thu hút nhân tài trong bộ máy Nhà nước”.

Công nhân trong dây chuyền sản xuất công nghệ cao. (Ảnh minh họa).

Lo ngại về tình trạng đào tạo đại học và sau đại học, đào tạo nghề kém hiệu quả, nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, đại biểu Nguyễn Thị Huệ (Đắk Lắk) hỏi về hướng đào tạo nguồn nhân lực thời gian tới. Phó Thủ tướng cho biết: “Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đưa một chương trình tôi cho là rất tốt, đó là đào tạo có địa chỉ, có nhu cầu. Chúng ta đã quy hoạch các trường đại học và cao đẳng theo tinh thần Nghị quyết 50 khóa XII của Quốc hội. Nên vừa qua chúng ta chỉ thành lập một trường đại học, còn rất nhiều trường xin chưa được”. Và làm sao đào tạo nghề, đại học, cao đẳng sắp tới có hiệu quả tốt hơn. Đào tạo theo nhu cầu là một nhu cầu rất lớn, chúng tôi thấy cần được quán triệt, không phải đào tạo rồi không có việc làm, đào tạo cho nông dân, nông thôn cũng vậy… để tránh lãng phí cho xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Hoan nghênh tinh thần phục vụ và năng lực hành động của lực lượng Công an

Kết thúc buổi chất vấn 4 thành viên Chính phủ và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Qua 2 ngày rưỡi, Quốc hội đã tiến hành chất vấn các Bộ trưởng, Trưởng ngành đại diện của Chính phủ, đồng chí Phó Thủ tướng trả lời trực tiếp tại hội trường. Cùng với 1.204 kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới Quốc hội tại kỳ họp này đã có trên 160 câu hỏi chất vấn cho 19 Bộ trưởng, Trưởng ngành và các vị lãnh đạo. Những vấn đề đặt ra, các nhóm tổng quát để thực hiện chất vấn, đó là những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm, có nhiều nội dung mới cần phải đặt ra, cần phải làm rõ trách nhiệm, giải pháp tổ chức thực hiện. Không khí chất vấn, trả lời chất vấn tại hội trường là thẳng thắn, có trách nhiệm và có tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng cao. Đề nghị Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các vấn đề đã hứa trước Quốc hội.

Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bảo đảm đến năm 2013 hoàn thành căn bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi cả nước. Phối hợp với các ngành liên quan giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện về đất đai trọng điểm, phức tạp kéo dài được dư luận xã hội quan tâm và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện có kết quả đề án tái cơ cấu đầu tư công. Hoàn thiện cơ chế pháp lý về quản lý các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước…

Đối với lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, phong trào toàn dân phòng chống tội phạm, tạo được những chuyển biến tích cực trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh, luôn sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân. Các vị đại biểu có câu hỏi chất vấn để hoan nghênh những mặt tích cực, tinh thần phục vụ và năng lực hành động của lực lượng Công an trong công cuộc đấu tranh để bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đã phát biểu rất rõ về cả giải pháp, cả trách nhiệm… Toàn lực lượng Công an đang ra sức xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh…

Q.T.

Ý kiến người dân về trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang:Ông Vũ Văn Công (Gia Lâm, Hà Nội): Bộ trưởng trả lời thẳng vào vấn đề, rất rõ ràng

Sau khi xem chương trình truyền hình trực tiếp phần Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, tôi thấy Bộ trưởng trả lời thẳng từng vấn đề, từ tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong giới trẻ hiện nay… Những nguyên nhân xã hội gây nên những vụ án nghiêm trọng đau lòng cũng là vấn đề chúng tôi rất quan tâm. Đó là lời cảnh báo để người dân chúng tôi lưu tâm phòng ngừa và giáo dục con cháu trong gia đình sống và làm việc đúng pháp luật. Cách nhìn nhận thẳng thắn về những tồn tại trong lực lượng Cảnh sát giao thông cũng là điều đáng trân trọng, biết những tồn tại sẽ có phương hướng giải quyết hữu hiệu, chúng tôi rất mong chờ…

Bà Vũ Thị Mai (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội): Rất hài lòng nghe Bộ trưởng trả lời chất vấn

Sự hy sinh của lực lượng Công an là rất lớn, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an đã hy sinh xương máu để bảo vệ sự bình yên. Đó là điều người dân chúng tôi ghi nhận. Những mặt còn yếu, đã được Bộ trưởng đưa nguyên nhân và giải pháp khắc phục rất rõ ràng. Như vụ ông Dương Chí Dũng bỏ trốn trước khi cơ quan Công an đến bắt, Bộ trưởng cũng nhận rõ trách nhiệm và rút kinh nghiệm thực hiện trong những vụ việc khác chắc sẽ tốt hơn…

Q.T. (thực hiện)

Quý – Trường
cand.com.vn