Trang chủ > Sự kiện - Bình luận > “Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2012” – Một quyết định thiếu sáng suốt của Mỹ

“Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2012” – Một quyết định thiếu sáng suốt của Mỹ

Tháng Mười 2, 2012

Có thể nói “Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2012 – H.R. 1410” đã không vì lợi ích của hai quốc gia, không đóng góp gì cho sự phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, trái lại đó là vật cản trở, phá hoại sự phát triển quan hệ giữa hai quốc gia, hơn nữa nó đi ngược lại những nỗ lực của Hoa Kỳ trong xây dựng lòng tin với các nước tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo một số tờ báo quốc tế chiều 11/9, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2012 số hiệu là H.R.1410.

Dự luật này không cho phép Chính phủ Mỹ được viện trợ trên các lĩnh vực khác – “không có mục đích nhân đạo” cho Việt Nam, “nếu Tổng thống Mỹ không xác nhận được với Quốc hội Mỹ rằng Việt Nam đã cải thiện đáng kể trong lĩnh vực nhân quyền”. Đồng thời, Dự luật còn đòi hỏi “Việt Nam phải đưa ra được những tiến bộ vượt bậc trong việc cải thiện luật pháp để ngăn chặn việc hình sự hóa các hoạt động dân chủ”. Mặt khác, Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải định kỳ báo cáo lên Hạ viện về “tiến trình cải thiện nhân quyền ở Việt Nam” v.v. và v.v.

Theo Hiến pháp Hoa Kỳ: Sau khi “Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2012, H.R. 1410” được Hạ viện thông qua, văn kiện này còn phải được được đệ trình lên Thượng viện. Nếu được Thượng viện thông qua thì bước tiếp theo phải được Tổng thống phê chuẩn Dự luật mới có hiệu lực pháp lý.

Dựa trên thể chế “Tam quyền phân lập”, Dự luật này được xem là một hình thức hạn chế quyền của nhánh hành pháp, đó là việc đưa ra những đòi hỏi về nhân quyền trong quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam. Tuy nhiên Tổng thống lại là người quyết định cuối cùng!

Còn nhớ ngày 8/2/2012, Tiểu ban về châu Phi, Y tế toàn cầu và Nhân quyền của Hạ viện Mỹ đã thông qua cái gọi là “Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2012” (The Vietnam Human Rights Act of 2012) do ông Chris Smith, nghị sĩ đảng Cộng hòa, tiểu bang New Jersey, Chủ tịch Tiểu ban bảo trợ.

Trước đó, vào ngày 25/1/2012, ông Chris Smith đã có buổi điều trần về Dự luật này. Tại buổi điều trần, ngoài đại biểu của Tiểu ban trên, còn có những gương mặt đã có nhiều hành động chống nước Cộng hoà XHCN Việt Nam như: Cựu dân biểu Cao Quang Ánh, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (Tổ chức Boat People SOS); Giám đốc Tổ chức Nhân quyền cho người Thượng; ông John Sifton (Tổ chức Human Rights Watch – một tổ chức sân sau của các ông nghị chống Việt Nam tại Hạ viện)… Có thể nói, những cái tên cá nhân, “tổ chức” mà mấy ông nghị này dẫn ra đã quá quen đến nực cười với những ai quan tâm đến vấn đề “nhân quyền Việt Nam” mà không dưới một lần Hạ viện Hoa Kỳ thông qua.

Song ta có thể khẳng định rằng: “Dự luật Nhân quyền Việt Nam, H.R. 1410” lần này là một quyết định thiếu sáng suốt của Hạ viện Hoa Kỳ.

Trước hết, Dự luật này đã đi ngược lại nguyên tắc tôn trọng quyền dân tộc tự quyết trong quan hệ quốc tế đương đại. Điều này đã được Hiến chương Liên hợp quốc ghi nhận. Hơn nữa tại Điều I của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (năm 1966), đã quy định rõ: “Các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị…” của mình. Việc xây dựng và thực thi Hiến pháp, pháp luật như thế nào là quyền của mỗi quốc gia – dân tộc, mà không có bất cứ quốc gia nào, một lực lượng chính trị nào có quyền áp đặt, kể cả Liên hợp quốc.

Chỉ căn cứ vào lời khai “mà người ta nghe được” để khẳng định rằng ở Việt Nam đã xảy ra tình trạng “truy bức tôn giáo”, “chính trị và sắc tộc” thậm chí là còn là thủ phạm của việc “buôn người lao động cưỡng bức và mại dâm cưỡng bức”… để đánh giá về tình hình nhân quyền của một quốc gia,… chỉ có thể là nhận xét hồ đồ hoặc xuất phát từ những định kiến lỗi thời của một cá nhân nào đó. Tiếc rằng với sự dẫn dắt của ông Chris Smith, Hạ viện Hoa Kỳ dường như đã xác nhận những điều trên.

Thứ hai, trong quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ, Dự luật này đang đi ngược lại lợi ích của cả hai quốc gia. Như các phương tiện thông tin đã đưa, ngày 10/11/2011, tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 19, tổ chức tại thành phố Honolulu, bang Hawaii (Mỹ), Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam Trương Tấn Sang đã có cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Tại cuộc trao đổi trên, bà Ngoại trưởng khẳng định: “Mỹ tiếp tục coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trong đó có việc nâng tầm quan hệ, hướng tới đối tác chiến lược”. Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng khẳng định: “Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Mỹ như một đối tác hàng đầu có ý nghĩa chiến lược”.

Gần đây, như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa, Hoa Kỳ đã quyết định chuyển hướng chiến lược quân sự hướng về khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố: “Tới năm 2020, khoảng 60% hạm đội của Mỹ sẽ được triển khai ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Điều đó có nghĩa việc tìm kiếm, phát triển các quan hệ thân thiện với các quốc gia trong khu vực, đồng thời giảm thiểu những mâu thuẫn, khác biệt giữa Hoa Kỳ với các quốc gia trong khu vực là một yêu cầu tất yếu của Hoa Kỳ. Dự luật Nhân quyền 2012, H.R.1410 đang đi ngược lại những yêu cầu đó.

Thứ ba, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, “Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2012, H.R.1410”, mà các ông nghị của đảng Cộng hòa nghĩ sẽ được các cử tri Mỹ gốc Việt ủng hộ cho ông Mitt Romney – ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, đồng thời loại bỏ ông Obama trong ngày bầu cử Tổng thống vào ngày 6/11 sắp tới.

Có thể các ông nghị của đảng Cộng hòa đã không nhận thức được những thay đổi trong cử tri Mỹ gốc Việt. Hơn một năm nay, “Ủy ban Người Mỹ gốc Việt ủng hộ Tổng Thống Obama” (Vietnamese Americans For Obama – gọi tắt là VAFO) đã ra đời. Người đại diện của tổ chức này nói: VAFO có hai mục đích chính: “Thứ nhất là kêu gọi, cổ động đồng bào đi bầu cho thật đông và thứ hai là ủng hộ Tổng thống Obama tái đắc cử nhiệm kỳ hai”.

Nhiều người trong tổ chức này cho rằng cách tiếp cận nhân quyền của chính phủ Obama với Việt Nam trong thời gian qua là “có tính cầu thị”, thể hiện ở quan điểm – thông qua đối thoại để rút ngắn sự khác biệt về nhân quyền giữa hai quốc gia, thay vì áp đặt, “ra lệnh” cho Việt Nam như kiểu Dự luật Nhân quyền 2012, H.R.1410.

Như vậy, có thể nói “Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2012 – H.R. 1410” đã không vì lợi ích của hai quốc gia, không đóng góp gì cho sự phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, trái lại đó là vật cản trở, phá hoại sự phát triển quan hệ giữa hai quốc gia, hơn nữa nó đi ngược lại những nỗ lực của Hoa Kỳ trong xây dựng lòng tin với các nước tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Bắc Hà
cand.com.vn