Lưu trữ

Posts Tagged ‘An ninh’

Kế lừa cao thủ của kẻ giả danh cảnh sát

Tháng Chín 28, 2011 Bình luận đã bị tắt

Tuy mới sinh năm 1983 nhưng Nguyễn Văn Hải, quê ở xã Thanh Nghị (Thanh Liêm, Hà Nam) phải được liệt vào hàng “cao thủ lừa”. Bởi suốt một thời gian khá dài (3-4 năm), anh ta liên tục giả danh cảnh sát, lừa đảo mọi người, chiếm đoạt được nhiều tỷ đồng, thậm chí còn lừa được cả… cảnh sát thật.

Thủ đoạn của Hải cực kỳ tinh vi, lúc nào cũng ăn vận cảnh phục, xưng danh đơn vị là một Cục nghiệp vụ có trụ sở nằm trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), đi ôtô biển xanh, 80B-…

Bỗng dưng được làm cảnh sát vì… cứu “sếp” to

Chuyện Nguyễn Văn Hải bỗng dưng trở thành cảnh sát, mang cấp hàm thượng úy, rồi đại úy khiến nhiều người dân ở xã Thanh Nghị thấy lạ. Bởi Hải chẳng có bằng cấp gì, chỉ đi bộ đội ở Quân chủng Phòng không không quân trong 3 năm (2004-2007), rồi lang thang ở Hà Nội. Có người làng còn từng nhìn thấy Hải dật dờ làm nghề xe ôm, đứng đợi khách ở Hà Nội. Có người còn biết rõ ràng Hải hay lang thang ở các chiếu bạc khu vực Từ Liêm. Trông cũng rúm ró, nghèo khó lắm….

Đùng một cái, Hải trở về làng, quá oách với bộ cảnh phục. Lúc đầu, gã đeo hàm thượng úy, một thời gian ngắn sau thì đã gắn thêm một sao thành đại úy. Hỏi thì gã vênh vênh, tự đắc: “Lập công nên được thăng cấp hàm trước niên hạn”. Từ ngày làm cảnh sát, Hải không bao giờ đi xe khách về quê. Lúc thì anh ta lái chiếc xe Camry 2.0 mới coong, BKS màu xanh, 80B-…, lúc lại đi xe Lexus, khoe vừa đổi, sau này mới giảm xuống thành xe Ki-A nhưng vẫn vớt vát sỹ diện rằng: Bán xe đắt tiền để góp vốn buôn ôtô…

Ảnh Hải mặc cảnh phục treo đầy nhà ở quê, và cả ở những ngôi nhà gã thuê trên Hà Nội. Lúc đầu, Hải thuê một ngôi nhà 4 tầng, lắp cả camera theo dõi, giá 8 triệu đồng/tháng ở khu vực thôn Kiều Mai (Phú Diễn, Từ Liêm). Một thời gian sau, Hải nâng cấp, thuê một ngôi nhà lớn hơn ở phường Khương Trung (Thanh Xuân) với giá 17 triệu đồng/tháng. Dọn đến ở vài hôm, Hải thuê người đến làm cỗ tưng bừng, mời mọi người đến ăn tân gia và khoe khéo giá của ngôi nhà vừa mua.

Mọi người trong làng, ngoài xóm thắc mắc về cái sự bỗng dưng trở thành cảnh sát và giàu có của Hải thì gã và gia đình giải thích: Hải số may, một lần đi đường đã gặp và cứu giúp một “sếp” to trong lực lượng Công an bị tai nạn nên được ông “sếp” này thương, cho vào lực lượng Công an và giúp đỡ nhiều trên con đường công danh. Nhiều người chưa một lần bước chân ra khỏi làng thì trầm trồ cho cái vận may của Hải.

Duy nhất một người đang thắc mắc, đó là Trưởng Công an xã nơi gia đình Hải cư trú, bởi chẳng thấy đơn vị nào đến xác minh lí lịch của gia đình Hải mà bỗng dưng đối tượng lại về làng đeo cấp hàm đại úy. Đồng chí Trưởng Công an xã đang thắc mắc lên Công an huyện, thế nhưng, sự việc chưa kịp làm sáng tỏ thì Hải đã bị các trinh sát của Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV – Công an tỉnh Bắc Ninh lật mặt…

Sự thật rằng, sau khi đi bộ đội về, Hải chẳng có nghề ngỗng gì, chuyên đi ăn nhờ bạn và lang thang với nghề cờ bạc bịp. Gã trọ ở thôn Kiều Mai (Phú Diễn, Từ Liêm), nơi có một đơn vị Công an đóng quân nên hay ngồi ở quán nước gần đó làm quen.

Rồi Hải quen được một người bạn tên T., sau này chuyển về công tác tại một Cục nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm có trụ sở trên đường Nguyễn Trãi. Từ khi T. về đơn vị mới, Hải cũng nhờ một lái xe ôm mua hộ cho một bộ cảnh phục, cấp hàm Đại úy để giả danh công tác tại đơn vị của anh T.. Gã rất hay mặc nguyên bộ cảnh phục, đến ngồi ở quán nước ngay cổng đơn vị của anh T. để hẹn gặp người quen, chính vì thế mà mọi người dễ tin gã là cán bộ của đơn vị thật.

Và với cái mác này, gã đã lừa đảo mọi người rằng có mối quan hệ quen biết để xin việc cho con em họ vào làm các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an. Thậm chí, gã còn đọc báo để tìm vụ việc để… chạy án. Để mọi người tin mình là Cảnh sát, gã thường trưng ra một thẻ học viên Học viện Cảnh sát nhân dân. Đây là tấm thẻ gã nhặt được, sau đó gã dán ảnh mình, sửa chữa tên tuổi rồi photo, đưa cho mọi người làm tin…

Lừa cả tình lẫn tiền

Hải có khuôn mặt chẳng hề điển trai, hơi đen đúa, nhưng may cho gã được bộ cảnh phục giả danh kéo lại nên trông cũng oai. Đến lừa đảo nhà ai, thấy con gái họ xinh xinh là Hải lấn tới, lừa luôn cả tình. Một gia đình khá giả ở Bắc Ninh đã bị mắc bẫy của Hải một cách cay đắng như thế.

Gia đình anh X., tên nạn nhân có cô con gái tên H. mới 22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật. Biết anh X. muốn xin việc cho con, thông qua người quen, đầu tháng 7/2011, Hải đã mò đến chơi và nhận sẽ xin việc cho H. vào dạy tại Khoa Luật Học viện Cảnh sát nhân dân với giá 320 triệu đồng. Cuối tháng 7, Hải nhận tiền của gia đình và đem hồ sơ xin việc của H. về… vứt xó.

Nhưng những ngày qua lại gia đình anh X., cái miệng dẻo quẹo của Hải đã chinh phục được tình cảm của mọi người, nhất là cô con gái mới lớn. Cả gia đình đã coi Hải như người thân, H. thì tíu tít bên “bạn trai” mỗi khi anh ta đánh xe ôtô về tận Bắc Ninh thăm người yêu. Đến tháng 8/2011, trong một lần về thăm “người yêu”, Hải nói chuyện với vợ chồng anh X. rằng đang thiếu một ít tiền nhập một lô ôtô Honda Accord về, nhờ gia đình vay hộ. Đến tháng 9, gã lại nhăn nhó nói với gia đình “bố vợ tương lai” rằng đang nhập tiếp một lô hàng xe SH nhưng thiếu vốn. Cả hai lần này, Hải nhờ anh X. cho vay và vay “nóng” hộ mọi người số tiền 3 tỷ đồng trong vòng 15 ngày – 1 tháng (có trả lãi suất).

Tin lời Hải, mọi người trong gia đình anh X. dồn hết tiền trong nhà và đi vay của người quen, họ hàng đưa cho gã. Đến khi cầm đủ 3 tỷ đồng, “cậu con rể tương lai” chuồn một mạch. Mọi người gọi điện thoại thì lúc đầu Hải còn nghe máy, nhưng viện hết lí do này đến lí do khác. Sau rồi, gã còn bỏ luôn sim điện thoại vẫn dùng liên lạc với gia đình anh X., mặc cho gia đình bị hại như ngồi trên đống lửa. Mất tiền đã xót xa, bị lừa tình còn cay đắng hơn…

Khi đến thuê xe ôtô Camry 2.0 của một công ty tư nhân trên địa bàn Hà Nội, thấy đứa cháu gái của họ xinh xắn, vừa thi trượt đại học, Hải cũng tán tỉnh luôn và đặt vấn đề xin cho cô bé vào học tại Trung cấp Cảnh sát với giá 160 triệu đồng. Gia đình cháu gái đã đặt cọc cho Hải 130 triệu đồng và 1 cây vàng. Hải cũng tới tấp tấn công cô cháu gái của gia đình nhưng may sao, cô gái chê Hải xấu nên không vập vào lưới tình của gã. Tuy nhiên, sự nhiệt tình của gã lại được gia đình, nơi cho thuê xe ghi nhận, quý mến. Họ giao cho gã cả chiếc xe Camry 2.0 mới cứng.

Khi Hải nói đang thiếu một số tiền để mở garage, cần vay nóng có lãi suất, gia đình đã cho gã vay 522 triệu đồng và 15 cây vàng. Sau đó gã cũng biến luôn. Còn chiếc xe ôtô Camry gã thuê, tháng 3/2011, gã lái và gây tai nạn ở khu vực Mỹ Đình (Từ Liêm). Gây tai nạn xong, gã bỏ đi luôn. Công an vào giải quyết, Công ty cho thuê xe phải tự đến nhận xe về và sửa chữa hết gần 500 triệu đồng. Liên lạc với Hải thì gã biệt tăm luôn…

Từ lừa xin việc làm đến chạy án

Lĩnh vực mà Hải nhằm vào lừa đảo nhiều nhất chính là giả danh cảnh sát để xin việc làm, hoặc chạy trường cho các thí sinh đã trượt đại học. Hiện danh sách các nạn nhân bị Hải lừa đảo về lĩnh vực này, theo Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an tỉnh Bắc Ninh, đã lên đến hơn 10 người với số tiền chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng. Như anh Đ. ở Lai Châu nhờ Hải xin cho con làm tiếp viên hàng không với giá 300 triệu đồng. Anh Vỹ ở Thanh Xuân bị lừa xin cho vào con học tại Trường Trung cấp Công an với giá 200 triệu đồng, anh Tân ở Thanh Trì bị Hải lừa 190 triệu đồng…

Liều mạng hơn, Hải còn đi chạy án. Thấy anh K., ở Chương Mỹ (Hà Nội) có em gái đi buôn pháo và bị cơ quan Công an bắt dịp Tết Nguyên đán 2011, thông qua người quen, Hải biết gia đình anh K. đang muốn chạy cho em gái giảm tội nên đã mang theo tờ báo An ninh Thủ đô có đăng tin về vụ án xuống nhà anh K..

Hải nhận lời sẽ chạy cho em gái anh K. tại ngoại để về nhà ăn Tết với giá 180 triệu (lúc đầu). Chục ngày sau, Hải lại yêu cầu anh K. đưa thêm 80 triệu đồng với lý do vụ án đã bị đăng báo nên giá buộc phải cao hơn. Đến tận 29 Tết Nguyên đán, vẫn chưa thấy em gái được tại ngoại, gia đình anh K thắc mắc thì Hải tìm lý do khất lần. Mùng 4 Tết, Hải xuống chúc Tết gia đình anh K., nhân tiện nói chuyện anh ta đang có lô xe SH cần thanh lý, thiếu mất 200 triệu đồng, hỏi vay anh K..

Đang nhờ vả Hải chạy án cho em gái, tin gã là Công an thật, anh K. đã dồn tiền của người thân trong gia đình cho vay. Thế rồi, Hải lại chuồn luôn, bỏ mặc việc chạy án lẫn khoản vay lớn ấy… Ngoài ra, cơ quan Công an còn xác định Hải vay tiền của 4 cá nhân khác với số tiền lên đến khoảng 5 tỷ đồng.

Cho đến khi bị Cục Cảnh sát truy nã tội phạm phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV – Công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ, trong người gã siêu lừa này chỉ còn vài trăm ngàn đồng. Đấu tranh khai thác, gã thú nhận bao nhiêu tiền lừa được đã đổ vào thú chơi cờ bạc và ăn chơi đua đòi. Gã đã từng mời một số bạn bè vào tận các tỉnh phía Nam ăn chơi với chi phí mấy trăm triệu đồng, thuê xe ôtô hạng sang với giá đến 30 triệu đồng/tháng…

Từ 2009 đến nay, Hải say với trò lô đề, nhưng thắng 1, thua đến 4, số tiền lừa đảo được cứ hết dần bởi các thú chơi bời của gã. Khi bị bắt, Hải đã chẳng còn đi ôtô, cũng không dám về nhà trọ sang trọng của mình vì sợ các con nợ đến đòi. Gã đi chiếc xe máy cũ, mang theo chiếc ba lô trong đựng đầy đủ các đồ dùng cá nhân. Hỏi thì gã bảo, cháu luôn trong tư thế bỏ trốn, hoặc nếu bị Công an bắt thì cũng có đồ dùng mang theo vào trại tạm giam. Vì gã cũng biết rằng, kết cục của mình sẽ không thể khác…

T. Hòa – P. Thủy – CSTC tuần số 76

cand.com.vn

Bí mật, bất ngờ làm nên thành công

Tháng Chín 9, 2011 Bình luận đã bị tắt

Với tinh thần cảnh giác của người dân và sự phối hợp đồng bộ, bí mật, bất ngờ giữa các đơn vị nghiệp vụ Công an Phú Yên cùng Tổng cục An ninh 1, chỉ trong một thời gian ngắn đã triệt xóa nhanh gọn nhóm tội phạm lần đầu tiên xuất hiện ở Phú Yên, góp phần bảo đảm ổn định ANTT.

>> 59 tội phạm công nghệ cao người Hoa lừa đảo như thế nào?

Sau một tháng kể từ khi phát hiện những dấu hiệu nghi vấn bất minh của một nhóm tội phạm người nước ngoài sử dụng công nghệ cao hoạt động lừa đảo xuyên quốc gia, đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh triệt xóa, chuyên án trinh sát VT11 – với sự phối hợp giữa Công an Phú Yên và các đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục An ninh 1 – Bộ Công an đã kết thúc.

Thu giữ nhiều chứng cứ, tang vật

Như đã đề cập trong hai số báo trước về cuộc đột kích 4 địa điểm nhà cho thuê, nhà nghỉ ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên bắt quả tang nhóm người nước ngoài lưu trú trái phép, sử dụng các phương tiện, thiết bị công nghệ cao để lừa đảo qua mạng.

Sau cuộc đột kích, lực lượng Công an thu giữ 28 laptop, 123 điện thoại bàn, 56 điện thoại di động, 13 bộ đàm, 2 camera, 3 máy in, 3 máy ảnh, 2 Hub, 51 cổng mạng, 12 Wireless Router không dây, 11 modem cáp quang, 2 hộp FTTH Box, 10 ăngten, 2 máy scan, 4 bộ thiết bị RJ11, 4 chuông báo động, 7.404 USD, 7.989 Nhân dân tệ, 17.450 Đài tệ, 40 USD Hongkong, 302.000 Rupiah (Indonesia), 320 Peso (Philippines), 38 Riel (Campuchia), 39.662.000 VND, 19 thẻ tín dụng, mua hàng, thanh toán tiền qua mạng, mua vé máy bay cùng hàng trăm trang tài liệu là những kịch bản lừa đảo do nhóm tội phạm này dàn dựng.

Chiều cùng ngày, UBND tỉnh Phú Yên gửi văn bản đến Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh để thông báo cho Tổng lãnh sự quán Trung Quốc và Văn phòng kinh tế – văn hóa Đài Bắc tại TP Hồ Chí Minh để phối hợp xử lý theo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế đã ký kết.

8 đơn vị có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chuyên án được Bộ trưởng Bộ Công an khen thưởng.

Khai nhận của nhóm lừa đảo xuyên quốc gia

Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng khai nhận cầm đầu nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng Internet này là 5 người Đài Loan, trong đó hai kẻ chủ chốt là Yang Chung Long, tức Dương Tiến Long, 42 tuổi trú ở 57 Minh Quang, Lư Trúc, Đại Viên và em trai là Yang Shan Chin, tức Dương Thượng Tấn, 36 tuổi, trú ở 139 Ngọc Phúc, Thảo Lôi, Đại Viên – Đài Loan. Tấn là đối tượng trong làng cờ bạc ở Đài Loan từng bị Cảnh sát nước này bắt giữ nên đã có tiền sự về hành vi này.

Trợ lý kẻ cầm đầu có 2 nhân viên kỹ thuật người Đài Loan, 3 người Việt phiên dịch, thuê nhà, trợ giúp pháp lý và đời sống. Sau khi lắp đặt thiết bị thu phát sóng, đường truyền Internet, nhóm tội phạm kết nối mạng qua máy tính, dò tìm những người Hoa sinh sống ở Mỹ, Hongkong, Đài Loan, Hàn Quốc có hành vi vi phạm pháp luật, rồi mạo nhận là cán bộ chức trách ở nước đó để xác minh tài khoản tiền gửi của họ trước khi giở chiêu lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gợi ý, ép buộc họ chuyển tiền vào tài khoản do bọn chúng dàn dựng, phân công người trong nhóm sắm vai nhân viên tín dụng. Có trường hợp chúng tung tin tài khoản người bị hại sắp bị phong tỏa rồi gợi ý họ phải chuyển tiền vào tài khoản theo chỉ định của bọn chúng để được “bảo trợ” an toàn với chi phí thấp…

Trong thời gian lưu trú ở Phú Yên, Dương Tiến Long và đồng bọn đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 500.000 Nhân dân tệ. Trước khi đến Việt Nam, nhóm đối tượng này đã có thời gian lưu trú ở Thái Lan, Campuchia. Ngoài Tạ Trường Sơn là người ký hợp đồng thuê nhà, hai người Việt còn lại trong nhóm lừa đảo này là Nguyễn Thị Xuân Loan, thường gọi là Minh, 33 tuổi, trú 113 Lô D, Chung cư Lạc Long Quân, phường 5, quận 11, TP HCM; Nguyễn Long Trung Dung, 28 tuổi, trú ở 03F Đoàn Thị Điểm, phường 4, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Bí mật, bất ngờ lập chiến công

Đề cập đến loại tội phạm nêu trên, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 1 cho biết, hơn một năm qua, lực lượng An ninh đã triệt xóa 6 nhóm tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Bình Dương; tạm giữ và xử lý 298 đối tượng, trong đó có 106 người Trung Quốc và 192 người Đài Loan. Nhóm của Long chọn Phú Yên là tỉnh lẻ để dễ né tránh tầm kiểm soát và sử dụng công nghệ hiện đại với phương thức hoạt động tinh vi hơn. Tuy nhiên, với tinh thần cảnh giác của người dân và sự phối hợp đồng bộ, bí mật, bất ngờ giữa các đơn vị nghiệp vụ Công an Phú Yên cùng Tổng cục An ninh 1, chỉ trong một thời gian ngắn đã triệt xóa nhanh gọn nhóm tội phạm lần đầu tiên xuất hiện ở Phú Yên, góp phần bảo đảm ổn định ANTT.

Ngày 8/9, đại diện Lãnh sự quán Trung Quốc và Văn phòng kinh tế – văn hóa Đài Bắc tại TP Hồ Chí Minh đã có cuộc trao đổi với các cơ quan chức trách ở Phú Yên và tiếp xúc nhóm đối tượng bị tạm giữ.

Theo Đại tá Phạm Văn Hóa – Giám đốc Công an Phú Yên, người bị hại trong những vụ lừa đảo do nhóm tội phạm sự dụng công nghệ cao dưới sự điều hành của anh em Dương Tiến Long đang định cư ở nước ngoài, nên các đối tượng sẽ được trao trả theo con đường ngoại giao cho nhà chức trách và Cảnh sát Interpol Trung Quốc, Đài Loan tiếp tục điều tra và xử lý.

Tuy nhiên, trong thời gian lưu trú tại Phú Yên, nhóm người nước ngoài này đã vi phạm pháp luật Việt Nam, cụ thể là không đăng ký tạm trú ở nơi đến, hoạt động trái mục đích nhập cảnh, cụ thể là sử dụng phương tiện thiết bị công nghệ cao để thực hiện những hành vi phi pháp. Do đó trước khi được trao trả cho nhà chức trách nước bạn, nhóm đối tượng này phải chấp hành các quyết định xử phạt về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội theo Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ.

Sáng 8/9/2011, lễ khen thưởng đột xuất cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chuyên án đã được tổ chức tại Công an Phú Yên. Theo Quyết định số 3683/QĐ-BCA ngày 7/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an, 8 đơn vị được khen thưởng là Phòng PA61, PA81, PA92, Công an TP Tuy Hòa thuộc Công an tỉnh Phú Yên; Cục A65, A70, A71, A72 thuộc Tổng Cục an ninh 1, mỗi đơn vị 5 triệu đồng về thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh đối tượng người Trung Quốc sử dụng Internet để lừa đảo.

Tại Quyết định số 1385/QĐ-UBND ngày 7/9/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 4 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chuyên án VT11-PY góp phần giữ gìn ANTT tại địa phương, trong đó có Cục A65, A70, A71, A72 thuộc Tổng cục An ninh 1.

Tổng số tiền phạt các đối tượng vi phạm khoảng 1,2 tỷ đồng Việt Nam. Ngoài ra các đối tượng vi phạm còn bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian 5 năm.

Đánh giá kết quả đấu tranh chuyên án VT11-PY, trong công điện gửi Tổng cục An ninh 1 và Giám đốc Công an Phú Yên ngày 7/9/2011, Trung tướng Tô Lâm – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: “Kết quả đó đã thể hiện tinh thần mưu trí sáng tạo, chủ động nắm tình hình, kiên quyết tấn công tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng môi trường đầu tư của đất nước”.

Phan Thế Hữu Toàn

cand.com.vn

*
*    *

Video được trích trong bản tin thời sự tổng hợp 7h ngày 6/9/2011 của đài truyền hình Thông tấn xã Việt Nam.

Clip nguồn: avnews.vnanet.vn

59 tội phạm công nghệ cao người Hoa lừa đảo như thế nào?

Tháng Chín 7, 2011 Bình luận đã bị tắt

Nhóm người Trung Quốc và Đài Loan sử dụng internet, đàm thoại VoiceIP để tìm kiếm thông tin về những nạn nhân, chủ yếu là những người có hành vi vi phạm. Sau đó bọn chúng sắm vai là nhân viên nhà chức trách nước sở tại để đe dọa, buộc nạn nhân cung cấp số tài khoản hoặc chuyển tiền vào tài khoản của chúng để “phục vụ điều tra”…

>> Bắt 59 tội phạm công nghệ cao là người Hoa

Liên quan đến chiến công của lực lượng Công an Phú Yên phối hợp Tổng cục An ninh 1 – Bộ Công an “Đánh sập 4 địa điểm người nước ngoài sử dụng công nghệ cao hoạt động phi pháp” như Báo CAND đã đề cập, sáng 6/9, Đại tá Nguyễn Trung Nghĩa – Chánh văn phòng Công an tỉnh Phú Yên cho hay, cơ quan điều tra đã ra lệnh tạm giữ hình sự đối với 59 người nước ngoài, 2 người Việt sau cuộc “đột kích” sáng 5/9, 1 người Việt còn lại cũng đang bị tạm giữ tại TP Hồ Chí Minh.

Tất cả đều trong tình trạng sức khỏe bình thường và đang trả lời thẩm vấn của các điều tra viên. Việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật đối với nhóm người nước ngoài sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế.

Theo Đại tá Nguyễn Trung Nghĩa, mặc dù nhóm người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hợp pháp, nhưng họ đã vi phạm pháp luật Việt Nam, cụ thể là không đăng ký tạm trú ở địa phương nơi đến, hoạt động trái với mục đích nhập cảnh, cụ thể là đã sử dụng các phương tiện thiết bị công nghệ cao để thực hiện hành vi phi pháp.

Kẻ chủ chốt bị bắt giữ.

Điều đáng nói là so với 5 vụ việc đã phát hiện trước đây tại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương thì nhóm người nước ngoài này sử dụng thiết bị hiện đại, thu phát không dây kết nối với 2 server đặt tại Mỹ và Hàn Quốc để thực hiện hành vi lừa đảo tiền qua mạng.

Một sĩ quan an ninh cho biết, nhóm đối tượng nêu trên sử dụng internet, đàm thoại VoiceIP để tìm kiếm thông tin về những nạn nhân, chủ yếu là những người có hành vi vi phạm. Sau đó bọn chúng sắm vai là nhân viên nhà chức trách nước sở tại để đe dọa, buộc nạn nhân cung cấp số tài khoản hoặc chuyển tiền vào tài khoản của chúng để “phục vụ điều tra”. Do yêu cầu công tác điều tra, nên đến chiều 6/9, tên tuổi 59 người nước ngoài hoặc đối tượng cầm đầu vẫn chưa được cơ quan điều tra tiết lộ.

Đại tá Nguyễn Trung Nghĩa cảnh báo, từ vụ việc này, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, khi phát hiện những nhóm người nước ngoài thuê nhà trọ, lưu trú dài hạn, nhưng không có hoạt động cụ thể rõ ràng, quan hệ sinh hoạt có nhiều dấu hiệu bất minh cần phải khẩn báo cho Công an địa phương để chủ động đấu tranh phòng ngừa tội phạm người nước ngoài xâm phạm an ninh trật tự trong nước

Trưa 6/9, phóng viên Báo CAND đã tiếp xúc ông Trần Ngọc, 46 tuổi, chủ nhà nghỉ Trung Hào ở thôn Long Thủy, xã An Phú, TP Tuy Hòa – một trong 4 địa điểm nhóm người nước ngoài đã thuê lưu trú để sử dụng công nghệ cao hoạt động phi pháp.

Theo ông Ngọc, giữa tháng 7/2011, một phụ nữ trẻ tên Minh, nói giọng Nam bộ đặt vấn đề thuê toàn bộ nhà nghỉ Trung Hào trong thời gian 1 năm. Thấy lạ, ông Ngọc dò hỏi, Minh cho biết mục đích thuê nhà để nhóm người Nhật hoạt động khảo sát đầu tư nuôi chim yến ở đầm Ô Loan – huyện Tuy An.

Sau khi thỏa thuận giá thuê mỗi tháng 24 triệu đồng, thời hạn nửa năm, Minh đưa một thanh niên tên là Tạ Trường Sơn (28 tuổi) trú ở 236 khu phố 3, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP Hồ Chí Minh đến ký hợp đồng thuê nhà. Khi Công an tỉnh Phú Yên và Tổng cục An ninh 1 “đột kích” tạm giữ nhóm người đó cùng một số thiết bị công nghệ vào sáng 5/9 thì ông Ngọc mới biết họ là người Trung Quốc và Đài Loan.

Người phụ nữ trẻ tên Minh liên hệ với ông Ngọc trước khi thuê nhà chính là Nguyễn Thị Xuân Loan (33 tuổi) làm phiên dịch và phục vụ ăn uống cho 59 người nước ngoài hoạt động phi pháp tại Phú Yên. Với chiêu nói dối thuê nhà để làm kinh tế, Loan, Sơn, Dung đã thuê 3 địa điểm còn lại là 469 Trường Chinh; nhà nghị Bảo Trân, lô 13-16, khu đô thị FBS và 4 căn nhà liền kề ở đại lộ Hùng Vương, khu phố Liên Trì, phường 9, TP Tuy Hòa.

Ông Nguyễn Văn Kỳ – Trưởng phòng Ngoại vụ tỉnh Phú Yên cho biết, chiều 5/9, UBND tỉnh Phú Yên đã gửi thông báo đến Cục Lãnh sự quán Bộ Ngoại giao và Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh về vụ việc nêu trên. Tuy nhiên, đến 15h chiều 6/9, Lãnh sự quán Trung Quốc chưa cử đại diện đến Phú Yên hoặc phản hồi thông tin.

Phan Thế Hữu Toàn

cand.com.vn

Bắt 59 tội phạm công nghệ cao là người Hoa

Tháng Chín 6, 2011 Bình luận đã bị tắt

59 đối tượng nước ngoài thuê nhà ở TP Tuy Hòa, Phú Yên để sử dụng các thiết bị công nghệ cao, lừa đảo tiền qua mạng. Đối tượng bọn chúng hướng đến hầu hết là người Hoa đang sinh sống ở Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan.

Khoảng 8h15′ ngày 5/9, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát điều tra hình sự – kinh tế, quản lý hành chính – trật tự xã hội, an ninh điều tra, an ninh xã hội… của Công an tỉnh Phú Yên, Công an TP Tuy Hòa phối hợp với các trinh sát của Tổng cục An ninh 1 – Bộ Công an đồng loạt ập vào 4 địa điểm người nước ngoài lén lút sử dụng các phương tiện thiết bị công nghệ cao để hoạt động phi pháp tại 469 Trường Chinh, nhà nghỉ Bảo Trân, khu nhà 4 gian chưa đăng ký số ở đại lộ Hùng Vương, khu phố Liên Trì, phường 9 và nhà nghỉ Trung Hòa ở thôn Long Thủy, xã An Phú, TP Tuy Hòa.

Một trong bốn địa điểm nhóm đối tượng nước ngoài thuê nhà để hoạt động phi pháp.

Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tá Phạm Văn Hóa – Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên cùng hai Đại tá Phó Giám đốc Nguyễn Văn Khóa, Lê Xuân An, các cuộc “đột kích” hết sức nhanh gọn, bất ngờ. Tất cả các lối thoát tại 4 địa điểm đều bị lực lượng Công an khép chặt vòng vây, nên những nhóm người nước ngoài không kịp tiêu hủy, tẩu tán các phương tiện thiết bị hoạt động phi pháp và đã bị bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi phạm tội.

Trong cuộc tiếp xúc với nhiều phóng viên báo chí lúc 15h10′ cùng ngày, Đại tá Nguyễn Trung Nghĩa – Chánh Văn phòng, Công an tỉnh Phú Yên cho biết, qua công tác nắm tình hình an ninh trật tự ở cơ sở với sự hỗ trợ tích cực của người dân và Công an địa phương, đầu tháng 8/2011, các trinh sát an ninh phát hiện tại 4 địa điểm nêu trên có những nhóm người nước ngoài thuê nhà để tạm trú dài hạn, nhưng không lập thủ tục đăng ký tạm trú theo quy định pháp luật và quan hệ sinh hoạt của họ có nhiều dấu hiệu bất minh.

Dẫn giải đối tượng đi kiểm tra thiết bị công nghệ do bọn chúng lắp đặt để hoạt động trái phép.

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ điều tra trinh sát với sự phối hợp của Tổng cục An ninh 1 – Bộ Công an, Công an tỉnh Phú Yên xác định các đối tượng nêu trên thuê nhà sử dụng phương tiện thiết bị công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội, trong đó có một vài người Việt Nam tham gia.

Để đấu tranh triệt phá nhóm đối tượng này, chuyên án trinh sát đã được xác lập. Cùng với việc thu thập chứng cứ tài liệu, ngay sau khi các mũi trinh sát bí mật tiếp cận từng địa điểm để nắm bắt mọi hoạt động có liên quan, mệnh lệnh phá án đã được triển khai. Khi ập vào 4 địa điểm, lực lượng Công an đã bắt quả tang nhóm người nước ngoài đang sử dụng phương tiện thiết bị công nghệ cao trái phép, qua đó tạm giữ 62 đối tượng.

Một góc phòng có đặt thiết bị viễn thông của nhóm người nước ngoài. Ảnh: Hữu Toàn

Cùng thời điểm này, Công an TP HCM phối hợp tạm giữ thêm 1 đối tượng trong băng nhóm này. Trong số 62 đối tượng bị tạm giữ có 59 người Trung Quốc và 3 người Việt. Tên tuổi cụ thể 59 người nước ngoài chưa được công bố chi tiết, còn 3 người Việt là Nguyễn Thị Xuân Loan, 33 tuổi, trú ở 113 Lô D, Chung cư Lạc Long Quân, phường 5, quận 11, TP HCM; Nguyễn Long Trung Dung, 28 tuổi, đăng ký nhân khẩu tại 03S Đoàn Thị Điểm, phường 4, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, tạm trú ở 172/1/19 Trần Phú, phường 9, quận 5 và Tạ Trường Sơn, 28 tuổi, trú ở 236 khu phố 3A Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP HCM.

Sơn là người liên lạc thuê nhà, hướng dẫn cho nhóm người nước ngoài đến Phú Yên, còn Loan và Dung trực tiếp đến Phú Yên thuê nhà trọ tại 23/8 Lê Thành Phương, phường 8, TP Tuy Hòa và trợ giúp cho 59 người nước ngoài từ khâu phiên dịch tiếng Hoa đến quan hệ sinh hoạt. 59 người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hợp pháp nhưng không khai báo tạm trú ở nơi đến và hoạt động trái mục đích, vi phạm pháp luật Việt Nam.

Kiểm tra tại 4 địa điểm, Công an tỉnh Phú Yên đã tạm giữ 108 điện thoại bàn, 18 laptop, 14 điện thoại di động, 13 bộ đàm, 25 cáp nối mạng, 14 cổng mạng, 6 thiết bị thu phát sóng ngoài trời và 4 thiết bị thu phát sóng trong nhà…

Các đối tượng bị tạm giữ.

Theo một nguồn tin riêng của phóng viên Báo CAND, 59 đối tượng nước ngoài đã sử dụng các thiết bị công nghệ cao để lừa đảo tiền qua mạng. Số đối tượng bọn chúng hướng đến hầu hết là người Hoa đang sinh sống ở Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan.

Bước đầu, Tổng cục An ninh 1 đánh giá cao kết quả đấu tranh khám phá chuyên án này. Tội phạm nước ngoài sử dụng công nghệ cao từng bị lực lượng Công an Việt Nam phát hiện tại TP HCM, Cần Thơ, Bình Dương…

Có thể 59 người nước ngoài bị tạm giữ tại Phú Yên cho rằng, nếu hoạt động ở các tỉnh, thành phố lớn dễ bị phát hiện, nên chọn Phú Yên không chỉ thuận tiện tronh sinh hoạt, mà còn có thể né tránh tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Thế nhưng, chỉ sau một tháng hoạt động, hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của họ đã bị phát hiện, bắt quả tang. Báo CAND sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin mới có liên quan đến vụ việc này trong những số báo tới.

Cùng với việc tạm giữ người và phương tiện thực hiện hành vi phạm tội, ngay trong buổi chiều cùng ngày, Công an tỉnh Phú Yên cũng đã có văn bản gửi đến Phòng Ngoại vụ tỉnh Phú Yên để cơ quan này tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên thông báo vụ việc đến Bộ Ngoại giao và Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Việt Nam biết để phối hợp, tạo điều kiện cho cơ quan điều tra xem xét, xử lý hành vi vi phạm của 59 người nước ngoài theo quy định pháp luật Việt Nam.

Phan Thế Hữu Toàn

cand.com.vn

Xứng đáng vai trò nòng cốt bảo vệ an ninh Tổ quốc

Tháng Chín 4, 2011 Bình luận đã bị tắt

Trưởng thành trong đấu tranh cách mạng, với tinh thần trách nhiệm và ý thức cảnh giác cách mạng cao độ, lực lượng CAND ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, xứng đáng với vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.

Đúng 66 năm trước, Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời. Trong Tuyên ngôn Độc lập bất hủ đọc ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Tuyên ngôn Độc lập đã mở ra một trang sử mới của lịch sử dân tộc. Ý chí độc lập, tự do trong thời kỳ mới được bổ sung và phát huy trong công cuộc chiến đấu ngoan cường và lao động hết mình vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Thực hiện đường lối của Đảng, ý chí và quyết định của nhân dân, Nhà nước ta đã bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, đưa nước ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, có uy tín và vị thế quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Từ lúc ra đời đến nay, Nhà nước ta được xây dựng phù hợp với trào lưu tiến bộ của thời đại. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dựa trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức, do Đảng lãnh đạo. Nhà nước ta đại diện quyền làm chủ của nhân dân, hoạt động vì lợi ích của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, chăm lo cho con người, mọi công dân đều có cơ hội phát triển, cống hiến. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là biểu hiện tập trung của chế độ dân chủ, được xây dựng và hoạt động trên cơ sở chính trị là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và khối đại đoàn kết toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là cơ sở, là nguồn sức mạnh tiềm tàng to lớn, là động lực mạnh mẽ để chúng ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngay từ ngày đầu thành lập chính quyền nhân dân, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn coi trọng việc xây dựng phải đi đôi với bảo vệ Nhà nước cách mạng. Lực lượng Công an nhân dân (CAND) Việt Nam ra đời trong Cách mạng tháng Tám 1945, là lực lượng nòng cốt bảo vệ chính quyền nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng và bảo vệ nhân dân. Chính quyền nhân dân trẻ tuổi đã đương đầu thắng lợi với thù trong, giặc ngoài và những khó khăn về kinh tế- xã hội, thể hiện sức sống mãnh liệt của chế độ xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta. Lực lượng CAND mới ra đời, khó khăn, thiếu thốn đủ bề đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí đập tan nhiều ổ, nhóm phản động, thù địch âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng còn trứng nước.

Trưởng thành trong đấu tranh cách mạng, với tinh thần trách nhiệm và ý thức cảnh giác cách mạng cao độ, lực lượng CAND ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, xứng đáng với vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Đồng thời với việc làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chiến lược quan trọng về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, lực lượng CAND đã đóng góp tích cực vào việc hoạch định và thực hiện các chiến lược, chính sách phát triển mọi mặt của đất nước; xứng đáng là lực lượng vũ trang vững mạnh, tin cậy, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Lực lượng CAND luôn sẵn sàng.

Trải qua 66 năm xây dựng và phát triển, Nhà nước ta đã lớn mạnh về nhiều mặt, xứng đáng là niềm tự hào của nhân dân. Chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội, thuận lợi lớn, đồng thời cũng phải đối phó với nhiều thách thức, khó khăn mới. Công cuộc phát triển kinh tế – xã hội tuy đã đạt nhiều thành tựu to lớn, nhưng cũng còn nhiều hạn chế, chưa bền vững; các thế lực thù địch và bọn tội phạm không từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá… Trước tình hình đó, Nhà nước ta càng cần được củng cố thực sự trong sạch, vững mạnh. Bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, trong đó CAND là lực lượng nòng cốt với thế trận an ninh nhân dân, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” phát triển cả chiều rộng và bề sâu, có hiệu lực quản lý cao về an ninh, trật tự…

CAND

cand.com.vn

Tháng 5 ở Mường Nhé

Tháng Năm 17, 2011 Bình luận đã bị tắt

Không khí sôi nổi, tin tưởng trước ngày bầu cử thể hiện rõ trong suy nghĩ và hành động của đồng bào các dân tộc tất cả các xã ở Mường Nhé. Tại xã Nậm Kè, nơi hơn một tuần trước xảy ra việc tụ tập phức tạp, nay đã thực sự ổn định, yên bình, người dân chăm lo lao động sản xuất…

Thời gian qua, một số đối tượng xấu đã lừa gạt, tuyên truyền nhảm nhí nhằm tụ tập đông người, gây mất trật tự tại khu vực bản Huổi Khon, Nậm Kè, Mường Nhé, Điện Biên. Đến ngày 6/5, vụ việc trên đã được các cấp chính quyền, đoàn thể tại địa phương giải quyết, toàn bộ bà con người Mông bị kẻ xấu lôi kéo đã được giải thích, tạo điều kiện đã tự nguyện trở về địa phương, ổn định cuộc sống. Liên quan vụ việc, một số báo chí nước ngoài đã thông tin không chính xác, gây hiểu nhầm trong dư luận.

Để tìm hiểu thực tế, nhóm phóng viên Báo CAND đã tới Mường Nhé, làm việc với các cấp chính quyền địa phương, gặp gỡ một số người từng bị kẻ xấu lừa gạt, tụ tập tại Huổi Khon trong vụ việc nói trên. Chúng tôi cũng tìm hiểu cuộc sống của họ sau khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện trở về nhà; việc chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và HĐND nhiệm kỳ 2011 – 2016; tâm lý, tình cảm của người dân; chuyện những cán bộ cắm bản, chăm lo cuộc sống cho bà con và đảm bảo an ninh – trật tự.

Bài 1: Mường Nhé trước thềm bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp

Mường Nhé đang vào mùa mưa. Những trận mưa rừng ào ạt, bất ngờ đến, nhưng cũng bất ngờ tan như tính cách thiếu nữ Mông. Cáu giận đấy, nhưng chốc lát đã địu giỏ lên nương, làm dáng với hoa rừng. Thấy tôi lo mưa lớn, ngày mai núi lở lấp mất đường lên thị trấn, Thùng Thị Văn, một cô gái người Mông giải thích, ông trời hiểu ý lắm, suối Pa Tần cũng vậy. Mưa chóng dừng, nước không dữ để mình lội suối sang bản, gần đến ngày bỏ phiếu rồi, bà con tối tối lại đợi cán bộ sang nói chuyện bầu cử. Thùng Thị Văn là cán bộ tư pháp xã Pa Tần, Mường Nhé, đợt này chị cùng cán bộ ở xã tham gia tổ bầu cử, tuyên truyền, giải thích cho bà con về quyền, nghĩa vụ, các quy định bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và HĐND nhiệm kỳ 2011 – 2016. Chị nói, do đặc điểm tâm lý và công việc thường ngày phải đi làm nương, việc giải thích, tuyên truyền bầu cử được cán bộ xã kết hợp linh hoạt: ngày lên rẫy nói chuyện với bà con hoặc buổi tối đến từng hộ gia đình.

Giàng Thị Mẩy, 18 tuổi sau khi được cán bộ Văn tuyên truyền, giải thích đã tỏ ra “lên lớp” với đứa em kém mình 4 tuổi: “Năm nay chị đủ tuổi đi bỏ phiếu, chị cũng có quyền “to” như bố rồi. Em chưa được bỏ phiếu đâu, nhưng em thấy cán bộ nào tốt, cán bộ nào ngăn được lũ, mách cho nhà lắm lúa khoai, trâu bò béo mộng, em chỉ giúp để chị bầu…”.

Cán bộ Công an hướng dẫn bà con về bầu cử tại điểm niêm yết danh sách ứng viên ở xã Nậm Kè, Mường Nhé.

Chẳng những ở cấp xã, mà cấp huyện, tỉnh ở Điện Biên cũng có hình thức thiết thực: nắm bắt vướng mắc, khó khăn từ phản ánh của cử tri trong quá trình đi thực tế và có thể triển khai tháo gỡ, khắc phục ngay. Hôm tôi đến Pa Tần, cũng là thời điểm đoàn đại biểu ứng viên đại biểu HĐND tỉnh Điện Biên và HĐND huyện Mường Nhé về tiếp xúc cử tri. Chị Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên và các ứng viên đã gần chục ngày nay đi vào các xã, bản đặc biệt khó khăn ở Mường Nhé. Cử tri phản ánh, việc nhiều đoạn đường bị sạt lở, ách tắc khi mưa xuống nhưng phải đợi máy móc đến ủi xúc rất lâu, vậy là tức khắc chị chỉ đạo ngay Sở Giao thông vận tải bố trí đủ số lượng công nhân, máy móc cần thiết tại các điểm trên tỉnh lộ 151, kịp thời xử lý đường bị sạt lở. “Cử tri cần những việc làm thực tế, hành động cụ thể, bởi thế họ nói rằng, muốn nghe cán bộ dưới đất hơn cán bộ trên cây, ý là phải người thật, việc thật chứ không phải chỉ cái loa phát thanh treo trên cây” – chị giải thích.

Theo chị thì đến nay Mường Nhé đã thành lập 7 tổ bầu cử cấp huyện, 86 ban bầu cử cấp xã với 154 tổ bầu cử tại 154 khu vực bỏ phiếu với hơn 29.000 cử tri. Tất cả các đơn vị, các xã đã niêm yết danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND, danh sách cử tri. Có 47 ứng viên ứng cử vào HĐND huyện, 564 ứng viên ứng cử HĐND xã. Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, sẵn sàng cho ngày bầu cử diễn ra suôn sẻ, đúng quy định.

Quan sát của chúng tôi cho thấy, không khí sôi nổi, tin tưởng trước ngày bầu cử thể hiện rõ trong suy nghĩ và hành động của đồng bào các dân tộc tất cả các xã ở Mường Nhé. Tại xã Nậm Kè, nơi hơn một tuần trước xảy ra việc tụ tập phức tạp, nay đã thực sự ổn định, yên bình, người dân chăm lo lao động sản xuất và đã được phổ biến đầy đủ về quyền, nghĩa vụ, các quy định về cuộc bầu cử.

Gia đình anh Giàng A Phà cư trú ngay tại khu đồi ở Huổi Khon kể, nhà anh từng bị kẻ xấu tới chiếm dụng hồi đầu tháng. “Mấy ngày đó tôi lo lắng, khổ sở lắm, gạo thóc bị chúng lấy hết, nhờ có cán bộ giúp đỡ nay tôi mới lấy lại được nhà, có thóc gạo để ăn” – anh Phà phấn chấn. Vừa dùng mỏ lết sửa chiếc xe Win 100, Giàng A Phà bảo sáng nay cùng Trưởng bản Sùng A Kỷ ra điểm bầu cử ở bản Huổi Khon. Để chứng tỏ sự am hiểu về người mà tới đây mình sẽ bầu, Phà nói “mình biết chọn ai để bầu rồi nhé, chưa tiết lộ đâu, nhưng người này nói nghe phải lắm, mình đi xem bảng về (điểm dán danh sách ứng viên), hỏi ý của vợ cũng đúng ý mình luôn”…

Ở Nậm Kè, trụ sở UBND xã chưa xây dựng mới theo dự án, nhưng cảnh quan được bố trí sạch đẹp, biểu ngữ, băng rôn sẵn sàng cho ngày hội lớn. Khi chúng tôi đến đã quá trưa nhưng tại bảng tin của xã, nhiều bà con người Mông, người Thái, người Cống… vẫn đội ô tròn, ô hoa xem danh sách ứng viên đại biểu Quốc hội và HĐND. Bàn làm việc của ông Lò Văn Sung, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Kè khá nhiều sổ sách, tài liệu phục vụ bầu cử, được sắp xếp ngăn nắp. Ông Lò Văn Sung nói về tâm lý, đặc điểm cư dân địa bàn mình với những đổi mới đáng ghi nhận. Xã Nậm Kè có 9 bản với 588 hộ, 3.566 khẩu, là đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Thái, Sán Chỉ, Cống, Kinh…

Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, bây giờ Nậm Kè có cơ sở hạ tầng khá khang trang với hệ thống trạm xá, trường học đồng bộ. Trạm y tế Nậm Kè nằm ngay bên trụ sở UBND xã, được xây dựng mới với 5 cán bộ y tế chuyên trách, được công nhận trạm y tế chuẩn. Giáo dục với hệ thống trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được xây dựng khang trang, sạch đẹp, nằm ngay trên tuyến chính tỉnh lộ. Đời sống kinh tế dẫu còn nhiều khó khăn nhưng với sự cố gắng vươn lên, giờ thu nhập bình quân mỗi hộ ở Nậm Kè cũng đạt mức 360kg thóc/người/năm, đường ôtô sửa sang tại nhiều bản. Cuộc bầu cử lần này, Nậm Kè có 9 tổ bỏ phiếu với 6 đơn vị bầu cử. Có 37 ứng viên để bầu 25 người vào HĐND xã. Cử tri toàn xã có hơn 1.800 người.

Người dân Mường Nhé xem danh sách ứng viên đại biểu Quốc hội và HĐND.

Trưởng bản Huổi Khon Sùng A Kỷ đi xe Win đến trụ sở UBND xã, tỏ ý phấn chấn lắm. Tôi hỏi từ sau vụ việc ở Huổi Khon, giờ có ai chưa về nhà không? Rất thẳng thắn, Sùng A Kỷ nói: “Kẻ xấu bị đẩy đuổi rồi, bà con đã yên tâm trở về sửa sang lại nhà cửa, người đi rẫy, người kiếm củi, chẳng có ai phải lo sợ, lẩn trốn đâu cả. Nhà mình mình ở, đất mình mình gieo bắp, mình ở Huổi Khon phải bảo vệ Huổi Khon, nghe cán bộ không để kẻ xấu đến quấy phá nữa”. Sùng A Kỷ nói, mọi người ở Huổi Khon cũng đã tìm hiểu để bỏ phiếu bầu ai vào ngày 22/5 rồi. Huổi Khon thuộc đơn vị bầu cử số 3 của xã Nậm Kè, có 6 ứng viên để bầu lấy 4 đại biểu vào HĐND xã.

Cơn mưa đầu chiều sầm sập đến, dội nước ào ạt. Nhưng chốc thoáng, mưa đã vượt đỉnh Giăng Màn “đi chơi bên kia núi” như cách nói của người Mông nơi đây. Mưa lướt qua rồi, để lại đó cái dịu mát những ngày đầu hè, để lại đó sự tinh khôi những hạt sương uốn mềm ngọn cỏ, để lại đó nét mềm mại, e ấp thiếu nữ đan len, se chỉ… Tháng năm rừng sắc tươi hoa chuối. Chiều nay, nhà ông Giàng A Hồ dưới chân núi bản Huổi Khon, cử chỉ mềm mại, e ấp đan len se chỉ của cô con dâu nhà ông như bức tranh riêng có của Nậm Kè, của Huổi Khon, của những con người mộc mạc, bình dị, của không gian yên bình, thanh nhã mà tinh khôi…

Đăng Trường – Trần Huy

cand.com.vn