Lưu trữ

Author Archive

“Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2012” – Một quyết định thiếu sáng suốt của Mỹ

Tháng Mười 2, 2012 Bình luận đã bị tắt

Có thể nói “Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2012 – H.R. 1410” đã không vì lợi ích của hai quốc gia, không đóng góp gì cho sự phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, trái lại đó là vật cản trở, phá hoại sự phát triển quan hệ giữa hai quốc gia, hơn nữa nó đi ngược lại những nỗ lực của Hoa Kỳ trong xây dựng lòng tin với các nước tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo một số tờ báo quốc tế chiều 11/9, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2012 số hiệu là H.R.1410.

Dự luật này không cho phép Chính phủ Mỹ được viện trợ trên các lĩnh vực khác – “không có mục đích nhân đạo” cho Việt Nam, “nếu Tổng thống Mỹ không xác nhận được với Quốc hội Mỹ rằng Việt Nam đã cải thiện đáng kể trong lĩnh vực nhân quyền”. Đồng thời, Dự luật còn đòi hỏi “Việt Nam phải đưa ra được những tiến bộ vượt bậc trong việc cải thiện luật pháp để ngăn chặn việc hình sự hóa các hoạt động dân chủ”. Mặt khác, Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải định kỳ báo cáo lên Hạ viện về “tiến trình cải thiện nhân quyền ở Việt Nam” v.v. và v.v.

Theo Hiến pháp Hoa Kỳ: Sau khi “Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2012, H.R. 1410” được Hạ viện thông qua, văn kiện này còn phải được được đệ trình lên Thượng viện. Nếu được Thượng viện thông qua thì bước tiếp theo phải được Tổng thống phê chuẩn Dự luật mới có hiệu lực pháp lý.

Dựa trên thể chế “Tam quyền phân lập”, Dự luật này được xem là một hình thức hạn chế quyền của nhánh hành pháp, đó là việc đưa ra những đòi hỏi về nhân quyền trong quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam. Tuy nhiên Tổng thống lại là người quyết định cuối cùng!

Còn nhớ ngày 8/2/2012, Tiểu ban về châu Phi, Y tế toàn cầu và Nhân quyền của Hạ viện Mỹ đã thông qua cái gọi là “Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2012” (The Vietnam Human Rights Act of 2012) do ông Chris Smith, nghị sĩ đảng Cộng hòa, tiểu bang New Jersey, Chủ tịch Tiểu ban bảo trợ.

Trước đó, vào ngày 25/1/2012, ông Chris Smith đã có buổi điều trần về Dự luật này. Tại buổi điều trần, ngoài đại biểu của Tiểu ban trên, còn có những gương mặt đã có nhiều hành động chống nước Cộng hoà XHCN Việt Nam như: Cựu dân biểu Cao Quang Ánh, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (Tổ chức Boat People SOS); Giám đốc Tổ chức Nhân quyền cho người Thượng; ông John Sifton (Tổ chức Human Rights Watch – một tổ chức sân sau của các ông nghị chống Việt Nam tại Hạ viện)… Có thể nói, những cái tên cá nhân, “tổ chức” mà mấy ông nghị này dẫn ra đã quá quen đến nực cười với những ai quan tâm đến vấn đề “nhân quyền Việt Nam” mà không dưới một lần Hạ viện Hoa Kỳ thông qua.

Song ta có thể khẳng định rằng: “Dự luật Nhân quyền Việt Nam, H.R. 1410” lần này là một quyết định thiếu sáng suốt của Hạ viện Hoa Kỳ.

Trước hết, Dự luật này đã đi ngược lại nguyên tắc tôn trọng quyền dân tộc tự quyết trong quan hệ quốc tế đương đại. Điều này đã được Hiến chương Liên hợp quốc ghi nhận. Hơn nữa tại Điều I của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (năm 1966), đã quy định rõ: “Các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị…” của mình. Việc xây dựng và thực thi Hiến pháp, pháp luật như thế nào là quyền của mỗi quốc gia – dân tộc, mà không có bất cứ quốc gia nào, một lực lượng chính trị nào có quyền áp đặt, kể cả Liên hợp quốc.

Chỉ căn cứ vào lời khai “mà người ta nghe được” để khẳng định rằng ở Việt Nam đã xảy ra tình trạng “truy bức tôn giáo”, “chính trị và sắc tộc” thậm chí là còn là thủ phạm của việc “buôn người lao động cưỡng bức và mại dâm cưỡng bức”… để đánh giá về tình hình nhân quyền của một quốc gia,… chỉ có thể là nhận xét hồ đồ hoặc xuất phát từ những định kiến lỗi thời của một cá nhân nào đó. Tiếc rằng với sự dẫn dắt của ông Chris Smith, Hạ viện Hoa Kỳ dường như đã xác nhận những điều trên.

Thứ hai, trong quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ, Dự luật này đang đi ngược lại lợi ích của cả hai quốc gia. Như các phương tiện thông tin đã đưa, ngày 10/11/2011, tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 19, tổ chức tại thành phố Honolulu, bang Hawaii (Mỹ), Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam Trương Tấn Sang đã có cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Tại cuộc trao đổi trên, bà Ngoại trưởng khẳng định: “Mỹ tiếp tục coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trong đó có việc nâng tầm quan hệ, hướng tới đối tác chiến lược”. Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng khẳng định: “Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Mỹ như một đối tác hàng đầu có ý nghĩa chiến lược”.

Gần đây, như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa, Hoa Kỳ đã quyết định chuyển hướng chiến lược quân sự hướng về khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố: “Tới năm 2020, khoảng 60% hạm đội của Mỹ sẽ được triển khai ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Điều đó có nghĩa việc tìm kiếm, phát triển các quan hệ thân thiện với các quốc gia trong khu vực, đồng thời giảm thiểu những mâu thuẫn, khác biệt giữa Hoa Kỳ với các quốc gia trong khu vực là một yêu cầu tất yếu của Hoa Kỳ. Dự luật Nhân quyền 2012, H.R.1410 đang đi ngược lại những yêu cầu đó.

Thứ ba, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, “Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2012, H.R.1410”, mà các ông nghị của đảng Cộng hòa nghĩ sẽ được các cử tri Mỹ gốc Việt ủng hộ cho ông Mitt Romney – ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, đồng thời loại bỏ ông Obama trong ngày bầu cử Tổng thống vào ngày 6/11 sắp tới.

Có thể các ông nghị của đảng Cộng hòa đã không nhận thức được những thay đổi trong cử tri Mỹ gốc Việt. Hơn một năm nay, “Ủy ban Người Mỹ gốc Việt ủng hộ Tổng Thống Obama” (Vietnamese Americans For Obama – gọi tắt là VAFO) đã ra đời. Người đại diện của tổ chức này nói: VAFO có hai mục đích chính: “Thứ nhất là kêu gọi, cổ động đồng bào đi bầu cho thật đông và thứ hai là ủng hộ Tổng thống Obama tái đắc cử nhiệm kỳ hai”.

Nhiều người trong tổ chức này cho rằng cách tiếp cận nhân quyền của chính phủ Obama với Việt Nam trong thời gian qua là “có tính cầu thị”, thể hiện ở quan điểm – thông qua đối thoại để rút ngắn sự khác biệt về nhân quyền giữa hai quốc gia, thay vì áp đặt, “ra lệnh” cho Việt Nam như kiểu Dự luật Nhân quyền 2012, H.R.1410.

Như vậy, có thể nói “Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2012 – H.R. 1410” đã không vì lợi ích của hai quốc gia, không đóng góp gì cho sự phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, trái lại đó là vật cản trở, phá hoại sự phát triển quan hệ giữa hai quốc gia, hơn nữa nó đi ngược lại những nỗ lực của Hoa Kỳ trong xây dựng lòng tin với các nước tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Bắc Hà
cand.com.vn

Công an giúp dân khắc phục hậu quả mưa lụt

Tháng Chín 10, 2012 Bình luận đã bị tắt

Trên tuyến QL1A đi qua địa bàn huyện Hà Trung (Thanh Hóa), trong các ngày từ 6 đến 9/9, lực lượng Cảnh sát giao thông đã dầm mình trong nước lũ làm cọc tiêu cho từng đoàn xe qua, lại; chốt chặn không cho người và phương tiện vượt qua những đoạn đường đang thi công bị ngập sâu; bám mặt đường điều hòa giao thông, không để bị ùn tắc.

Công an Nghệ An:

Ngày 9/9, trên địa bàn tỉnh Nghệ An mưa đã ngớt. Nhờ vậy, nước lụt ở các địa bàn đã rút. Bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lụt những ngày qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An là các huyện Đô Lương, Yên Thành và Hưng Nguyên. Theo báo cáo của Ban Phòng, chống lụt bão tỉnh Nghệ An, mưa lụt đã làm 3 người chết, 5 người bị thương; 9.856ha lúa của tỉnh bị ngập; 5.768,8ha rau màu các loại bị thiệt hại nặng; cây công nghiệp và cây ăn quả thiệt hại 526ha; 1.222,19ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập; 1 nhà dân bị sập đổ; 1.235 nhà dân bị ngập trong nước.

Ngày 8 và 9/9, nông dân các địa phương tỉnh Nghệ An đã đồng loạt xuống đồng thu hoạch lúa hè thu. Tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo các địa phương động viên nông dân tranh thủ thu hoạch nhanh lúa hè thu và hoa màu; tu sửa để thông tuyến kịp thời các tuyến đường giao thông và cảnh giới, đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí hiện đang bị ngập lụt.

Trước, trong và sau mưa lụt, Ban Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động giúp dân chống lụt và khắc phục hậu quả sau lụt. Công an các huyện Tương Dương, Đô Lương, Thanh Chương, Hưng Nguyên… đã lên phương án cụ thể giúp dân khi lụt lớn xảy ra. Trong 3 ngày xảy ra ngập lụt, Công an huyện Tương Dương đã ứng trực 100% quân số. Đơn vị đã chia thành nhiều tổ xuống các địa bàn trọng yếu để giúp dân di dời tài sản, chốt chặn các điểm xung yếu ở sông, suối, để giúp người dân đi lại an toàn.

Công an Nghệ An cũng đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng ứng cứu, giúp đỡ nhân dân khi cần thiết. Lực lượng CSGT Công an Nghệ An đã tăng cường chốt trực, điều tiết giao thông. Nhờ vậy, suốt 3 ngày mưa lụt, tại Nghệ An giao thông hoàn toàn được thông suốt. Mặc dù mưa đã hết, nước đang rút dần, nhưng Công an Nghệ An vẫn tiếp tục ứng trực 24/24h để thu nhận, xử lý các thông tin về mưa lũ, kịp thời có biện pháp ứng phó với các tình huống lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra.

Sau lụt, nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng như tuyến Mường Xén – Mường Lống, tuyến Huồi Tụ – Bắc Lý, tuyến Mường Xén – Mường Típ – Mường Ải – Na Ngoi. Công an Nghệ An chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương ứng trực tại các điểm sạt lở để điều tiết giao thông, bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân.

Đồng chí Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, đối với các xã bị ngập sâu như Yên Tĩnh, Mai Sơn hiện nước đã rút, lực lượng Công an huyện cùng các cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn đang tập trung dọn dẹp bùn đất trong trường học để các cháu có phòng học, đồng thời tu sửa các đoạn đường bị sạt lở, ổn định cuộc sống cho nhân dân…

Công an Nghệ An có mặt tại các địa phương bị ngập lụt để đảm bảo an ninh, trật tự.

Công an Thanh Hóa:

Trong những ngày vừa qua, mưa lũ kéo dài làm nước các sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa dâng cao, nhiều tuyến đê bị sạt lở, ngập lụt, đã chia cắt, cô lập nhiều địa phương; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, QLIA bị ngập lụt, gây ách tắc giao thông kéo dài…

Đến 14h ngày 9/9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 8 người chết, 1 người mất tích do mưa lũ, sạt lở đất. Mưa lớn, nước lũ tràn về làm sập và cuốn trôi hơn 100 nhà dân, 1.700 hộ ngập trong nước. Tại các huyện miền núi có 22 hồ đập nhỏ bị vỡ, 420m đê bối bị ngập… Toàn tỉnh có gần 14 nghìn ha cây trồng các loại bị ngập sâu trong nước và 700ha nuôi trồng hải sản bị tràn.

Công an Thanh Hóa hướng dẫn, đảm bảo an toàn giao thông tại các đoạn đường ngập trên tuyến quốc lộ 1A.

Giám đốc Công an Thanh Hóa đã tăng cường lực lượng, phương tiện cùng với Công an các huyện: Thường Xuân, Thọ Xuân, Bá Thước, Lang Chánh, Nông Cống, Hà Trung tổ chức ứng cứu, phân luồng, phân tuyến giải tỏa ách tắc giao thông, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra. Trên tuyến QL1A đi qua địa bàn huyện Hà Trung, trong các ngày từ 6 đến 9/9, lực lượng Cảnh sát giao thông đã dầm mình trong nước lũ làm cọc tiêu cho từng đoàn xe qua, lại; chốt chặn không cho người và phương tiện vượt qua những đoạn đường đang thi công bị ngập sâu; bám mặt đường điều hòa giao thông, không để bị ùn tắc.

Ngày 8/9, hơn 60 cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Thường Xuân đã về xã Lương Sơn, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ, giúp nhà trường và người dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Ngay từ sáng sớm, cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Thường Xuân đã đến trường mầm non, tiểu học, THCS xã Lương Sơn giúp các thầy cô giáo dọn dẹp vệ sinh các lớp học, sân trường; rửa, lau chùi bàn ghế, đồ dùng học tập cho nhà trường. Cán bộ, chiến sỹ Công an đã được huy động xuống vùng bị lụt cô lập, giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.

Công an huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa tặng quà cho người dân bị ngập lụt tại xã Quảng Phú.

Tại huyện Thọ Xuân, do ảnh hưởng của mưa lũ nên đến sáng 8/9, tuyến đê Cầu Chày đã bị vỡ. Nước sông tràn vào làm ngập lụt 3 xã: Thọ Lập, Xuân Vinh và Quảng Tiến của huyện Thọ Xuân. Công an huyện đã huy động phương tiện, lực lượng hàn gắn các điểm sạt lở, thông các tuyến đường giao thông bị chia cắt, tập trung ứng cứu các hộ dân mắc kẹt do lụt lội, cung cấp thức ăn, nước uống cho nhân dân, đồng thời đảm bảo an ninh, trật tự ở các địa phương trong vùng lũ…

Sông Lam – Thái Thanh
cand.com.vn

Thêm một bằng chứng về bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa

Tháng Chín 9, 2012 Bình luận đã bị tắt

“Trung Hoa dân quốc tối tân địa đồ”:

Người có công sưu tầm, công bố cuốn tài liệu quý trên là ông Bùi Viết Đông, 84 tuổi, ở phố Cấm, phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Trong cuốn sách có đăng tấm bản đồ mang tên “Trung Hoa dân quốc tối tân địa đồ” với điểm cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam (không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa).

Ngay sau khi nhận được thông tin trên, nhóm PV Báo CAND đã mời nhà sử học Ngô Đăng Lợi (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) tới nhà ông Bùi Viết Đông để thẩm định về cuốn sách trên. Trong căn nhà đơn sơ ở phố Cấm, ông Bùi Viết Đông điềm tĩnh mở tủ lấy cuốn sách đã úa màu thời gian đưa cho chúng tôi. Cuốn sách có chiều dài 23,5cm, chiều ngang 12,5cm và dày 4cm.

Về nguồn gốc, ông Bùi Viết Đông cho biết, bố đẻ của ông – cụ Bùi Văn Lộc từ nhỏ đã thông thuộc Hán văn và nên trong nhà có nhiều sách chữ Hán. Bản thân ông, trong những năm đi bộ đội, một lần ở trọ nhà một nhà nho ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) cũng được tặng một cuốn từ điển Hán – Việt.

Suốt những năm ở chiến trường, ông Đông đều dành thời gian rảnh rỗi để học tiếng Hán, nên khi xuất ngũ về quê đã có thể đọc thông, viết thạo ngôn ngữ này. Năm 1955, khi ông về quê đã thấy cụ thân sinh thường xem sách “Trung Hoa dân quốc tối tân địa đồ”. Khi bố mất, gia đình định chôn cuốn sách cùng thi hài cụ nhưng ông Đông thấy cuốn sách quý nên giữ lại tới nay.

Nhà sử học Ngô Đăng Lợi, ông Bùi Viết Đông cùng cuốn sách quý.

Sau khi xem xét kỹ cuốn sách, nhà sử học Ngô Đăng Lợi cho biết: Dù qua thời gian, nhưng dựa vào những dòng tựa đề thì đây là cuốn “Niên lịch thông thư” do Trung Quốc ấn hành từ những năm đầu thế kỷ XX và phát hành phổ biến khắp thế giới. Cuốn sách còn được coi như là cẩm nang kiến thức phổ thông của người Trung Quốc và người biết tiếng Hán.

Sách đề cập tới nhiều vấn đề, lĩnh vực từ địa lý, lịch sử, thiên văn tới khoa học thường thức, cách xem hướng nhà, cách hành lễ…. do Vương Ứng Lâm, đời nhà Tống biên soạn, sau đó được bổ sung thêm niên đại mới có tên trên. Tấm bản đồ nằm ở phần giữa của cuốn sách mang tên “Trung Hoa dân quốc tối tân địa đồ” nghĩa là tấm bản đồ mới nhất của Trung Hoa dân quốc. Tấm bản đồ với tỷ lệ 1/2,6 triệu ghi lại chi tiết các phần lãnh thổ của Trung Quốc. Theo đó, phần cực Nam của nước này là đảo Hải Nam.

Từ những cứ liệu lịch sử ghi lại, cuốn sách này được ấn hành lại sau Cách mạng Tân Hợi (1911) và là lịch chính thống của nhà nước “Trung Hoa dân quốc”. Như vậy, tấm bản đồ “Trung Hoa dân quốc tối tân địa đồ” có thể được xem là tấm bản đồ mới nhất của Trung Quốc khẳng định lãnh thổ của nước này chỉ đến đảo Hải Nam.

Bản đồ “Trung Hoa dân quốc tối tân địa đồ” không có 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Nhà sử học Ngô Đăng Lợi khẳng định thêm “Niên lịch thông thư” là cuốn sách phổ biến của người Trung Quốc đã được tái bản hàng chục lần. Sau mỗi lần tái bản, cuốn sách này lại được bổ sung các sự kiện mới. Để chứng minh về sự thông dụng của cuốn sách, chúng tôi tìm tới gia đình ông Lạc Tích Thiên, người Việt, gốc Hoa, sinh năm 1927 ở phố Trần Quang Khải (Hồng Bàng – Hải Phòng).

Ông Lạc Tích Thiên cho hay, hiện cũng có cuốn sách này ấn hành năm 2007 của Nhà xuất bản Tụ Bảo Lâu Thông Thắng (Hồng Kông), nhưng không hề có tấm bản đồ như cuốn sách quý của ông Bùi Viết Đông. Nhà xuất bản đã cố tình bỏ hoàn toàn những tư liệu khẳng định lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam như tấm bản đồ “Trung Hoa dân quốc tối tân địa đồ”.

Cũng theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, cuốn sách “Niên lịch thông thư” rất phổ biến. Tại Hải Phòng chắc chắn còn nhiều người lưu giữ cùng những tấm bản đồ như “Trung Hoa dân quốc tối tân địa đồ”. Thời gian tới, Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng sẽ tổ chức cuộc hội thảo về vấn đề biển Đông nhằm thu thập thêm các cứ liệu lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam

Việt Hòa – V.Thịnh
cand.com.vn

Chuyên mục:Xã hội

Người Trưởng Công an xã nặng nghĩa tình với phum sóc

Tháng Chín 7, 2012 Bình luận đã bị tắt

Sinh ra và lớn lên ở vùng Bảy Núi Anh hùng, ngay từ nhỏ Chau Hưm, hiện là Trưởng Công an xã Núi Tô (Tri Tôn, An Giang), người dân tộc Khơmer đã quen với sự nhọc nhằn và lam lũ của bà con nơi đây, hơn ai hết đồng chí Chau Hưm thấu hiểu, thông cảm và sẻ chia với mọi người bằng cả tấm lòng.

Trong công tác giữ gìn ANTT, đồng chí Chau Hưm thường xuyên xuống từng phum sóc, cụ thể hóa từng vấn đề, giúp bà con dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Qua đó, người dân nâng cao nhận thức tham gia đấu tranh tố giác tội phạm đẩy lùi các loại tệ nạn xã hội. Chau Hưm còn thiết lập mối quan hệ tốt với các hòa thượng, sư sãi, à cha trong các chùa, nhờ họ khuyên bảo các tín đồ và bà con chấp hành tốt đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cố gắng chăm lo làm ăn, lao động kiếm sống.

Anh cùng những người có uy tín trong xã vận động người dân hiến đất, quyên góp hơn 100 triệu đồng hỗ trợ cho các gia đình khó khăn, xây dựng tuyến đường Kẹt Đước (ngang 3m, dài hơn 5km) và 120m lộ nông thôn tại ấp Tô Thuận, với tổng chi phí gần 3 tỉ đồng. Khi con đường hoàn thành, đã được đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, lao động sản xuất, vận chuyển hàng hóa.

Ngoài ra, anh còn đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giải quyết những vướng mắc của nhân dân, kịp thời thay đổi, chấn chỉnh lề lối làm việc, tác phong, ngôn phong của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, để tình cảm giữa nhân dân và lực lượng ngày thêm bền chặt. Đồng chí Chau Sóc On, Phó Chủ tịch UBND xã Núi Tô cho biết: “Từ khi đồng chí Hưm về nhận nhiệm vụ đến nay, tình hình ANTT trên đại bàn Núi Tô luôn được giữ vững, ổn định. Người dân yên tâm lao động sản xuất, không còn tình trạng khiếu kiện đông người”.

Đồng chí Chau Hưm (đứng giữa) triển khai công tác với tập thể đơn vị.

Được biết, gia đình của đồng chí Chau Hưm cũng thuộc diện khó khăn, nhưng trong cuộc sống anh luôn cố gắng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, tận tâm chăm lo đời sống cho bà con miền núi này. Hiện anh đang sống cùng mẹ già, và vợ ở xã Cô Tô, nhưng do nhiệm vụ công tác, anh rất ít khi về thăm nhà, mà trực chiến luôn ở cơ quan.

Suốt 29 năm công tác, phụ trách nhiều công việc, chức vụ khác nhau từ Trưởng ấp đến Phó trưởng Công an xã Cô Tô và hiện là Trưởng Công an xã Núi Tô, dù ở vị trí nào, đồng chí Chau Hưm cũng luôn tận tâm, tận lực phục vụ cho ngành, cho nhân dân, góp sức xây dựng phum sóc ngày càng bình yên và giàu đẹp

V.Vĩnh – Quỳnh Mai
cand.com.vn

Mít tinh kỷ niệm trọng thể110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong

Tháng Chín 7, 2012 Bình luận đã bị tắt

“Tấm gương chiến đấu kiên cường và sự hy sinh lẫm liệt của đồng chí Lê Hồng Phong vì độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản sống mãi trong trái tim khối óc các thế hệ người Việt Nam chúng ta. Cuộc đời đồng chí Lê Hồng Phong trong như giọt sương mai, đẹp như ánh dương buổi sáng” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động bày tỏ trong phát biểu tại lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6/9/1902 – 6/9/2012).

Buổi lễ diễn ra sáng 6/9 tại Nghệ An, do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam và tỉnh Nghệ An tổ chức.

>> DIỄN VĂN CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Lê Hồng Phong – người chiến sỹ cộng sản quốc tế kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Nghệ An.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Hồng Phong là dịp chúng ta học tập, phấn đấu theo gương của đồng chí, đồng thời cũng nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay cần tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cộng sản, kiên trì học tập, nâng cao nhận thức, trình độ mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các đại biểu dự Lễ dâng hương tại Khu di tích Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: TTXVN.

Tổng Bí thư lưu ý, học tập và noi gương đồng chí Lê Hồng Phong và các bậc cách mạng tiền bối khác, chúng ta tiếp tục thực hiện thật tốt việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, tích cực đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái chính trị – tư tưởng, đạo đức lối sống, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng và mọi biểu hiện tiêu cực khác

Theo TTXVN
cand.com.vn

Chuyên mục:Thời sự

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị APEC 20 tại LB Nga

Tháng Chín 7, 2012 Bình luận đã bị tắt

Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin, chiều 6/9 theo giờ Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Vladivostok, Liên bang Nga, dự Hội Nghị APEC 2012 từ 6/9 – 9/9 và tham gia một số hoạt động tại khu vực Viễn đông của Liên bang Nga. Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước đã có cuộc gặp gỡ với cộng đồng người Việt tại Vladivostok.

Tiếp đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu quan trọng. Chủ tịch nước khẳng định, trong cục diện quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều chuyển biến nhanh, khôn lường, Việt Nam có lợi ích và mong muốn nỗ lực hết mình, cùng các thành viên APEC, gánh vác những trách nhiệm chung to lớn trên. Việt Nam đang bước sang thời kỳ chiến lược phát triển mới – tiếp tục đổi mới toàn diện, tái cơ cấu nền kinh tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó hội nhập kinh tế là nền tảng để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Diễn đàn APEC nói riêng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam.

Đây là khu vực luôn gắn bó chặt chẽ, mật thiết với sự phát triển của Việt Nam trên mọi mặt kinh tế, đối ngoại, an ninh và phát triển. Hầu hết các đối tác mà Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hoặc có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam nằm ở châu Á – Thái Bình Dương. Quan hệ hợp tác nhiều mặt và liên kết kinh tế – thương mại của Việt Nam với khu vực liên tục phát triển mạnh mẽ và ngày càng đi vào chiều sâu. Châu Á – Thái Bình Dương hiện là khu vực có đầu tư trực tiếp lớn nhất với 65% tổng số vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu và 75% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam…

PV
cand.com.vn

Chuyên mục:Thời sự

Đồng chí Lê Hồng Phong – tấm gương sáng về đạo đức cách mạng

Tháng Chín 7, 2012 Bình luận đã bị tắt

Đồng chí Lê Hồng Phong (1902 – 1942).

(Diễn văn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong)

“Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,

Thưa các đồng chí và các bạn,

Trong không khí cả nước hân hoan mừng Kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, hôm nay chúng ta họp mặt tại đây – trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, của Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng, mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng – để trọng thể kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong, Tổng Bí thư của Đảng ta thời kỳ 1935 – 1936, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng, một chiến sĩ nhiệt thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, người đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Thưa các đồng chí,

Đồng chí Lê Hồng Phong, tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân lao động. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống yêu nước, với nhiều sĩ phu nổi tiếng, tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, Lê Hồng Phong đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng.

Sau khi học xong sơ học yếu lược, Lê Hồng Phong đã rời làng ra thành phố, đầu tiên ở Vinh, sau là Bến Thủy, sống cảnh làm thuê, làm mướn. Không chịu đựng nổi cảnh bóc lột và áp bức của giới chủ, Lê Hồng Phong và những người cùng tâm huyết đã vận động anh chị em công nhân nổi dậy đấu tranh. Vì lẽ đó mà Lê Hồng Phong bị đuổi việc.

Cuối năm 1923, Lê Hồng Phong cùng người bạn thân là Phạm Hồng Thái bí mật sang Xiêm (Thái Lan) gặp các nhà yêu nước Việt Nam. Năm 1924, Lê Hồng Phong sang Quảng Châu (Trung Quốc) gia nhập nhóm Tâm Tâm xã và sau đó được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người giác ngộ cách mạng theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Kể từ đó Lê Hồng Phong quyết tâm đi theo con đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Năm 1925, Lê Hồng Phong gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tham dự lớp huấn luyện cán bộ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức, trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo lớp đầu tiên của cách mạng nước ta. Đồng chí đã được học tập toàn diện về quân sự và chính trị tại Trường Quân sự Hoàng Phố, Trường Không quân ở Quảng Châu (Trung Quốc), Trường Lý luận quân sự của lực lượng không quân Xô-viết ở Lê-nin-grat, Trường Đào tạo phi công quân sự ở Bô-rit-ơ-lep-xcơ (Liên Xô). Sau khi tốt nghiệp, Lê Hồng Phong đã hoạt động trong lực lượng Hồng quân Xô-viết và nhận trọng trách liên lạc giữa Đảng Cộng sản Đông Dương với Quốc tế Cộng sản. Trong thời gian này, Đồng chí được học tập lý luận cách mạng một cách hệ thống tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va, tốt nghiệp khóa ba năm (1928 – 1931), sau đó vào học tiếp năm thứ nhất lớp nghiên cứu sinh.

Sau cao trào Xô-viết Nghệ – Tĩnh (1930 – 1931), do sự khủng bố dã man và tàn bạo của thực dân Pháp, cách mạng Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn và tổn thất nặng nề. Hầu hết các Ủy viên Trung ương, các Xứ ủy viên đều bị bắt hoặc bị sát hại; hàng trăm cán bộ, hàng nghìn đảng viên bị bắt bớ, tù đày. Các tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở phần nhiều bị tan vỡ hoặc tê liệt. Trước tình hình đó, tháng 11/1931, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong về nước để lãnh đạo việc khôi phục, phát triển tổ chức đảng, đưa cách mạng Đông Dương vượt qua giai đoạn khó khăn, hiểm nghèo.

Đầu năm 1932, khi đến thành phố Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc), Lê Hồng Phong đã chắp nối liên lạc với các đồng chí trung kiên, cùng vạch ra Chương trình hành động của Đảng, được Quốc tế Cộng sản thông qua. Chương trình hành động của Đảng là một văn kiện chính trị quan trọng, khẳng định sự đúng đắn và nhất quán với đường lối cách mạng được Đảng ta vạch ra từ năm 1930, đánh giá cao thắng lợi của quần chúng cách mạng trong cao trào 1930 – 1931, đồng thời nghiêm khắc chỉ ra những sai lầm trong Đảng và đề ra yêu cầu kiên quyết khắc phục sai lầm, đưa cách mạng tiến lên.

Tháng 3/1934, Lê Hồng Phong cùng một số đồng chí tiến hành Hội nghị thành lập Ban lãnh đạo của Đảng ở ngoài nước (lúc đó gọi là Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng). Ban Chỉ huy ở ngoài có chức năng như một Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập là Ủy viên phụ trách công tác tuyên huấn. Ban Chỉ huy ở ngoài đã chuẩn bị và quyết định triệu tập Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935. Đại hội đã thông qua Nghị quyết chính trị, Điều lệ Đảng, một số văn kiện quan trọng khác và bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 13 Ủy viên do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu.

Cuối năm 1934, Lê Hồng Phong dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản họp tại Mát-xcơ-va (Liên Xô) từ ngày 25/7 đến ngày 25/8/1935. Đồng chí đã trình bày một bản báo cáo quan trọng về cuộc đấu tranh của các dân tộc ở Đông Dương và đã được Đại hội đánh giá cao. Đại hội đã thông qua quyết nghị công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một phân bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản và bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.

Tháng 7/1936, tại Thượng Hải, Đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương bổ sung Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất, chỉ đạo chuyển hướng tổ chức và sách lược của Đảng, chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế rộng rãi, bao gồm các hình thức đấu tranh, hình thức hoạt động phong phú từ bí mật, bất hợp pháp đến công khai, bán công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp, nhằm mục đích “dự bị điều kiện cho cuộc vận động dân tộc giải phóng được phát triển”, chuẩn bị về mọi mặt để đưa phong trào cách mạng chuyển sang cao trào 1936 – 1939.

Tháng 11/1937, Lê Hồng Phong bí mật về Sài Gòn, cùng Trung ương tích cực chỉ đạo việc thực hiện chủ trương chiến lược mới của Đảng.

Ngày 22/6/1939, Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất tại Chợ Lớn và kết án 6 tháng tù giam. Ngày 23/12/1939 chúng đưa Đồng chí về quản thúc tại quê nhà ở Nghệ An. Ngày 20/1/1940, Đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, giam tại khám Lớn, Sài Gòn; cuối năm 1940, chúng đày Đồng chí ra Côn Đảo. Tại đây, biết Lê Hồng Phong là nhân vật quan trọng của Đảng, thực dân Pháp tìm mọi cách tra tấn, hành hạ rất dã man. Đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, không khai báo một lời, đồng thời tích cực vận động và chỉ đạo anh em tù đấu tranh chống địch đánh đập, chống lại những luật lệ hà khắc của nhà tù. Sức khỏe suy kiệt dần vì đòn thù và bệnh tật, Đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 6/9/1942 sau khi đã nhắn lại “Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.

Bốn mươi tuổi đời, hai mươi năm hoạt động cách mạng liên tục, oanh liệt và đầy nhiệt huyết, đồng chí Lê Hồng Phong đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Dân tộc. Đồng chí đã để lại tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, suốt đời hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, son sắt thủy chung với đồng chí, bạn bè, luôn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng.

Thưa các đồng chí,

Cuộc đời hoạt động cách mạng và sự cống hiến của đồng chí Lê Hồng Phong đã để lại cho chúng ta những bài học hết sức quý giá:

Là người chủ trì công việc của Đảng trong thời kỳ cách mạng thoái trào đầu những năm 30 của thế kỷ XX, khi cả đất nước chìm ngập trong làn sóng khủng bố trắng của địch, tưởng chừng không vượt qua nổi, đồng chí Lê Hồng Phong đã cùng với Trung ương tiến hành một loạt công tác tỉ mỉ, kiên trì, sáng tạo nhằm khôi phục Đảng, khôi phục phong trào cách mạng, giữ vững ý chí chiến đấu của nhân dân, nuôi niềm tin vào sự tất thắng của cách mạng. Trong đó, việc đề ra Chương trình hành động và lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng là hai sự kiện có tầm quan trọng hàng đầu. Đồng chí đã kết hợp nhuần nhuyễn được hai yêu cầu cơ bản trong công tác của một người lãnh đạo là vừa quan tâm những vấn đề chiến lược, tổng quát; vừa chỉ đạo những công việc cụ thể, thiết thực, có hiệu quả. Trong những năm 1933 – 1934, cùng với việc đề ra Chương trình hành động của Đảng, Đồng chí còn dịch một số tài liệu và viết cuốn sách “Tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương” để tuyên truyền, vận động cách mạng. Đồng thời cùng các đồng chí của mình chỉ đạo lập ra các ban cán sự đảng ở Cao Bằng, Lạng Sơn, cử người đi gây dựng lại các cơ sở đảng ở Hà Nội, Hải Phòng, Hòn Gai…

Sau khi khôi phục được phong trào cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong đã góp phần cùng Trung ương Đảng chuẩn bị những tiền đề tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc hình thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Đồng chí đã có công lớn trong việc chuyển hướng chiến lược và sách lược đấu tranh nhằm tập hợp rộng rãi quần chúng xung quanh Đảng. Trong thời gian bị địch giam cầm, quản thúc, Đồng chí vẫn tham gia trên mặt trận lý luận. Hàng chục bài viết của Đồng chí được bí mật gửi, đăng tải trên các tờ báo của Đảng, nhất là Báo Dân chúng, thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường, không một phút nghỉ ngơi của người chiến sĩ cộng sản. Có được sự trưởng thành như vậy, phần quan trọng là do Lê Hồng Phong đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giáo dục, đào tạo, rèn luyện và thường xuyên chỉ đạo. Từ một thanh niên yêu nước đi tìm đường cách mạng, Lê Hồng Phong đã sớm gặp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đến với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và trở thành một học trò ưu tú của Người.

Ở Lê Hồng Phong, một trong những phẩm chất nổi bật là tấm gương học tập và rèn luyện. Không được học tập đầy đủ khi tuổi còn niên thiếu, lớn lên đi hoạt động cách mạng, Đồng chí càng khát khao trau dồi kiến thức, tranh thủ mọi điều kiện, ở mọi lúc, mọi nơi để học tập. Trong thời gian ở Trung Quốc và Liên Xô, Lê Hồng Phong đã trải qua nhiều trường, nhiều lớp; có khi lớp học cũ chưa xong, hoàn cảnh buộc chuyển sang lớp học mới; học quân sự, học chính trị, học lý luận… Có thể nói, trong số những cán bộ hoạt động cách mạng lúc bấy giờ, Lê Hồng Phong là người được trang bị nhiều kiến thức ở nhà trường nhất. Điều đó giúp Đồng chí rất nhiều trong công tác, nhất là khi phải chủ trì công việc trọng đại của Đảng.

Đồng chí luôn gắn việc học tập với hoạt động cách mạng, rèn luyện trong tổ chức và chỉ đạo thực tiễn. Việc chắp nối, liên lạc để khôi phục các tổ chức cơ sở đảng ở trong nước và chủ trương đưa địa bàn hoạt động về trong nước thay vì chỉ đạo từ xa đã nói lên điều đó. Lê Hồng Phong là một tấm gương mẫu mực trong việc kết hợp giữa học và hành, lý luận và thực tiễn.

Đồng chí Lê Hồng Phong còn là một nhà hoạt động quốc tế nhiệt thành. Ở Đồng chí, thể hiện rất sâu sắc lòng yêu nước kết hợp với tinh thần quốc tế, cách mạng Việt Nam kết hợp với cách mạng thế giới. Đồng chí tìm thấy ở các nước bè bạn một địa bàn hoạt động khi điều kiện trong nước còn khó khăn; một môi trường học tập, rèn luyện thuận lợi; một nơi cùng phối hợp, liên kết, ủng hộ lẫn nhau trong hoạt động cách mạng. Chính nhờ mối liên hệ quốc tế đó mà nhãn quan chính trị và tầm hiểu biết của Đồng chí rộng rãi và sâu sắc hơn, giúp giải quyết có hiệu quả hơn những nhiệm vụ cách mạng của nước ta đặt ra thời kỳ đó. Trong những năm học tập tại Trung Quốc và Liên Xô, Đồng chí đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau này, trên cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, Đồng chí càng có điều kiện để cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta gắn kết phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới, giúp phong trào cộng sản quốc tế hiểu rõ hơn về cách mạng Việt Nam, về Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí Lê Hồng Phong là một tấm gương hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Từ lúc lớn lên cho đến lúc hy sinh, Đồng chí luôn đặt lợi ích của cách mạng lên trên lợi ích của cuộc sống riêng và hạnh phúc gia đình. Bầu nhiệt huyết và trái tim cộng sản của Đồng chí luôn luôn dành cho Đảng và nhân dân. Vì Đảng, vì dân, Lê Hồng Phong chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, từ biệt gia đình bôn ba đi tìm đường cách mạng. Và cũng vì Đảng, vì dân, Lê Hồng Phong nhiều lần trở về nước để hoạt động, gây dựng phong trào cách mạng, dù biết rằng kẻ thù luôn rình rập, đe dọa tính mạng; và đã hy sinh cả tình riêng, cả bản thân mình. Người đồng chí, người bạn đời yêu dấu của Đồng chí – chị Nguyễn Thị Minh Khai – cũng bị địch bắt và kết án tử hình năm 1941. Hai nhà lãnh đạo yêu quý của chúng ta đã hy sinh vì nghĩa lớn, để lại đứa con thơ khi mới hơn 2 tuổi.

Cuộc đời đồng chí Lê Hồng Phong trong như giọt sương mai, đẹp như ánh dương buổi sớm.

Tấm gương chiến đấu kiên cường và sự hy sinh lẫm liệt của đồng chí Lê Hồng Phong vì độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản sống mãi trong trái tim các thế hệ người Việt Nam chúng ta.

Thưa các đồng chí,

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Hồng Phong, chúng ta bồi hồi và xúc động ôn lại quá trình hoạt động cách mạng vẻ vang của Đồng chí để học tập, phấn đấu theo gương của Đồng chí. Cuộc đời và sự nghiệp của Đồng chí luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cộng sản, kiên trì học tập nâng cao trình độ mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc.

Học tập và noi gương đồng chí Lê Hồng Phong và các bậc cách mạng tiền bối khác, chúng ta tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, tích cực đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng và mọi biểu hiện tiêu cực khác; xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, lãnh đạo toàn dân ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, từng bước xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Xin chúc các vị đại biểu, các vị khách quý, các đồng chí và bà con gia tộc đồng chí Lê Hồng Phong sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn”

N.P.T.
cand.com.vn

Chuyên mục:Thời sự

Trang hào hùng và chất huyền thoại của nhà cách mạng Lê Hồng Phong

Tháng Chín 6, 2012 Bình luận đã bị tắt

Hôm nay (6/9), tròn 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6/9/1902 – 6/9/2012). Trong một nghiên cứu mới công bố, GS, TS Đỗ Quang Hưng cho rằng, Lê Hồng Phong không chỉ là một nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất của Đảng ta, cuộc đời ông còn có “những trang hào hùng, pha chất huyền thoại”.

Trang hào hùng gắn với cuộc đời cách mạng, còn chất huyền thoại bởi anh trở thành sĩ quan phi công Việt Nam đầu tiên với những khóa huấn luyện đặc biệt. Một chiến sĩ quốc tế nổi tiếng, nhà cách mạng vững vàng, uyển chuyển như thế lại đồng thời là người Việt Nam đầu tiên góp những giờ bay của mình trong đội ngũ những phi công Xô viết.

Đánh giá “những trang hào hùng pha chất huyền thoại” chính là nét khám phá mới và độc đáo về Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Bởi, cuộc đời Lê Hồng Phong được các nhà sử học cách mạng nghiên cứu, nhất là khi Bác Hồ về Quảng Châu (tháng 11/1924). Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đặc biệt chú ý nhóm các nhà cách mạng trẻ tuổi, trong đó có Lê Hồng Phong và những người này là nhân vật nòng cốt cho khóa huấn luyện cách mạng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc. Dựa trên cơ sở nhóm bí mật này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tiền thân quan trọng nhất của Đảng ta.

Theo GS Đỗ Quang Hưng, riêng với cán bộ quân sự, cho đến nay, với nguồn tư liệu công bố, chúng ta mới biết chắc có hai nhân vật nổi tiếng được Nguyễn Ái Quốc lựa chọn và gửi tới đất nước Xô viết tiếp tục đào tạo là Lê Hồng Phong và Phùng Chí Kiên. Lê Hồng Phong trở thành người phi công cách mạng Việt Nam đầu tiên trong Quân đội Liên bang Xô viết. Năm 1985, nhà sử học trẻ Xô viết Côbêlép, tác giả cuốn “Đồng chí Hồ Chí Minh” đã công bố một số tư liệu mới về Lê Hồng Phong, cho biết, khi vào học trường hàng không Bôrítxgơlépxcơ ở Lêningrát (nay là Xanh Pêtécbua), Lê Hồng Phong được hướng dẫn làm lại lý lịch. Anh mang tên Lítvinốp, gốc người Trung Á, con một gia đình nông dân nghèo và anh tốt nghiệp trường hàng không với cái tên ấy. Anh trở thành sĩ quan phi công Việt Nam đầu tiên. Tháng 12-1928, Lê Hồng Phong được cấp trên gọi về Mát-xcơ-va nhận một nhiệm vụ quan trọng khác. Tài liệu lưu trữ của Quốc tế Cộng sản, thuộc lưu trữ Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã có những tư liệu rất quý về quãng đời này của anh.

Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Phong gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc ta, trong một giai đoạn đầy thử thách và cam go của cách mạng Việt Nam từ những năm 30 đến đầu những năm 40 của thế kỷ XX. Nhiều di sản quan trọng của Tổng Bí thư có ý nghĩa đặc biệt, điển hình như “Chương trình hành động của Đảng” tháng 6-1932, do đồng chí Lê Hồng Phong khởi thảo và chủ trì thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài, tổ chức Ban Trung ương lâm thời. Các nghiên cứu cho rằng, “Chương trình hành động của Đảng” là một văn kiện chính trị quan trọng, trong đó khẳng định sự đúng đắn của đường lối cách mạng Việt Nam được đề ra trong Luận cương chính trị năm 1930, những tổn thất, khó khăn mà Đảng đang gặp phải chỉ là tạm thời, không thể vì thế mà dao động, bi quan, thất vọng. Cùng với việc khôi phục và phát triển hệ thống tổ chức Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã có những đóng góp quan trọng trong việc khởi xướng và chỉ đạo cuộc đấu tranh vì dân sinh, dân chủ ở nước ta những năm 1936-1938.

Trong những năm tháng bị giam cầm tại Côn Đảo, trước khi trút hơi thở cuối cùng, đồng chí Lê Hồng Phong còn nói với bạn tù ở các phòng bên: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Lòng tin vững chắc đó là nhân tố quan trọng tạo nên những phẩm chất đạo đức cách mạng, lý tưởng sống cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản.

Ngày nay, chúng ta học tập ở những bậc tiền bối như đồng chí Lê Hồng Phong là cần làm rõ những phẩm chất, ý chí, tinh thần và niềm tin vững chắc của người đảng viên cộng sản với cách mạng trước bất kỳ thách thức nào

Đăng Minh
cand.com.vn

Thẩm tra 2 dự án Luật Quốc phòng – An ninh và Phòng chống khủng bố

Tháng Chín 6, 2012 Bình luận đã bị tắt

Ngày 6/9, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (Quốc hội khóa XIII) đã tổ chức phiên họp toàn thể để thu thập ý kiến thẩm tra 2 dự án Luật Quốc phòng – An ninh và Phòng chống khủng bố (lần thứ 9) trước khi trình Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 xem xét thông qua. Đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn, UVTW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo phiên họp.

Trước những diễn biến phức tạp về tình hình thế giới, Chính phủ đã có tờ trình về việc xây dựng 2 dự án Luật Quốc phòng – An ninh và Phòng chống khủng bố do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an soạn thảo.

Tại các kỳ họp trước, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã nhất trí về sự cần thiết phải ban hành 2 Bộ luật nêu trên trong giai đoạn hiện nay trong thực hiện chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước tình hình mới, đồng thời phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả những âm mưu khủng bố trong nước và quốc tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét và các tầng lớp nhân dân cũng đã đóng góp nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi, chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng nhằm tạo sự đồng thuận cao khi Luật được phê duyệt. Đến nay, 2 dự Luật đã qua 8 lần dự thảo. Trong đó, Luật Quốc phòng – An ninh gồm 6 chương, 42 điều; Luật Phòng chống khủng bố gồm 7 chương và 53 điều.

Tại phiên họp này, các đại biểu cũng thống nhất đánh giá cao 2 dự luật đã cơ bản đáp ứng được những yêu cầu, đủ điều kiện áp dụng vào đời sống thực tiễn và hướng tới mục đích lâu dài bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, phục vụ mục tiêu xây dựng phát triển toàn diện đất nước.

Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, phân tích, các đại biểu cho rằng vẫn còn một số chủ yếu mang tính kỹ thuật như bố cục, thuật ngữ, những khái niệm liên thuộc cần phải tiếp tục được chỉnh lý. Trong đó, việc quy định một số điều khoản của Luật cần phải khác với văn bản dưới Luật như nghị định, thông tư…

Về Luật Quốc phòng – An ninh, vấn đề làm thế nào để công tác giáo dục toàn dân nâng cao về kiến thức, nhận thức là điều các đại biểu quan tâm nhiều nhất. Theo đó, các quy định về đối tượng bắt buộc phải được giáo dục về quốc phòng-an ninh cần phải rõ ràng, cụ thể hơn; đồng thời cần phải có những quy định khác đối với Bộ GD&ĐT để Luật được đưa vào giảng dạy trong các trường THPT, cao đẳng, đại học. Đại biểu của Bộ Quốc phòng thừa nhận đây là vấn đề khó, vì hiện nay hầu hết các trường đều không có thao trường vì quỹ đất rất khó khăn. Trong khi đó, đại biểu của Bộ GD&ĐT cho rằng, chỉ riêng về đội ngũ giáo viên trong điều kiện hiện nay, để đưa bộ môn quốc phòng – an ninh vào giảng dạy, cần chuẩn bị ít nhất 8 năm nữa.

Đối với Luật Phòng chống khủng bố, vẫn còn những vấn đề cần phải xem xét thêm. Cụ thể, tại Mục a, Khoản 1, Điều 3 về hành vi gây hại của đối tượng khủng bố không phải chỉ có sức khỏe. Trong thực tế, các đối tượng này không chỉ có xâm phạm về sức khỏe và tự do thân thể mà còn xâm hại cả về tài sản và các quyền lợi hợp pháp khác của công dân… Do đó, cần bổ sung từ ngữ trong Luật để làm rõ vấn đề hơn. Mặt khác, khủng bố không đơn thuần trong lĩnh vực chính trị. Các tội phạm khác như tội tham nhũng bây giờ cũng mang tính chất khủng bố. Nhiều đại biểu đưa ra ví dụ, trên mặt trận đấu tranh phòng chống tham nhũng tại nước ta những năm qua đã xảy ra việc khủng bố cán bộ thanh tra, hoặc cả gia đình những người thừa hành công vụ…

Về cơ cấu tổ chức bộ máy, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm không nên chỉ có một Cục chuyên trách về chống khủng bố. Lực lượng Cảnh sát vũ trang cơ động đã có các đơn vị, các trung đoàn, các tiểu đoàn có trang bị về kiến thức và kỹ năng chiến đấu, ứng phó với những trường hợp có yêu cầu về chống khủng bố và không cần phải có một đơn vị chuyên trách. Tuy nhiên, việc chỉ huy tác nghiệp chống khủng bố là điều cần phải cân nhắc.

Sau kỳ họp này, các ý kiến đề xuất của các đại biểu sẽ được tổng hợp để 2 Bộ Quốc phòng và Công an tiếp tục hoàn chỉnh lần cuối trước và trình tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII xem xét, thông qua

Lê Minh Triết
cand.com.vn

Chuyên mục:Thời sự

APEC 20 – vị thế Việt Nam năng động

Tháng Chín 4, 2012 Bình luận đã bị tắt

Vị thế của Việt Nam trong APEC ngày càng được nâng cao, các thành viên đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trong năm 2012 và nhất trí ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm vị trí đồng Chủ tịch nhóm công tác APEC về đối phó với tình trạng khẩn cấp nhiệm kỳ 2012-2013.

Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin và phu nhân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân sẽ tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 20 tổ chức tại Vladivostok, Liên bang Nga từ 6/9 đến 9/9.

Với chủ đề “Liên kết để tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng”, các hoạt động của APEC năm 2012 sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm của APEC đóng góp cho sự tăng trưởng và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng đặc biệt với APEC và khu vực, được tất cả thành viên và cộng đồng quốc tế trông đợi. Với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao 21 thành viên, Hội nghị sẽ thảo luận nhiều vấn đề lớn về kinh tế thế giới và khu vực, thông qua các biện pháp hợp tác thiết thực nhằm thúc đẩy tăng trưởng, liên kết kinh tế và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Cách đây 6 năm, Việt Nam đăng cai thành công Hội nghị APEC 14 và đây là sự kiện quốc tế lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam. Chính từ Hội nghị APEC 14, diễn đàn hợp tác kinh tế này được nâng thêm một cấp độ mới, tập trung xây dựng một đại gia đình châu Á – Thái Bình Dương tràn đầy sức sống, phồn vinh và hài hoà hơn. Kết quả phong phú của Hội nghị APEC 14 tại Hà Nội một lần nữa chứng tỏ APEC đã tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng APEC lớn mạnh hơn, năng động hơn.

Trong 14 năm kể từ khi gia nhập APEC (11/1998), Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm của diễn đàn, chủ động thúc đẩy hợp tác APEC trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và các hợp tác khác. Việt Nam cũng đã đăng cai tổ chức thành công hơn 70 sáng kiến và hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác kỹ thuật, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp, chống chủ nghĩa khủng bố… Việt Nam đã chủ động, tích cực đóng góp cho hoạt động của các nhóm công tác, xây dựng các Chiến lược và Kế hoạch hành động của APEC trong tất cả các lĩnh vực, thực hiện nghiêm túc các cam kết của APEC, chủ động đề xuất nhiều sáng kiến mới, đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Nhóm công tác y tế kỳ 2009-2010. Bước vào năm 2012, nét nổi bật là lần đầu tiên chúng ta được các thành viên tín nhiệm bầu vào vị trí đồng Chủ tịch nhóm công tác APEC về ứng phó với tình trạng khẩn cấp.

Việt Nam tham gia APEC 2012 có nhiều nét mới với mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga tiếp tục được đẩy mạnh sau chuyến thăm của Chủ tịch nước tới Liên bang Nga tháng 7 vừa qua. Bên cạnh đó, vị thế của Việt Nam trong APEC ngày càng được nâng cao, các thành viên đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trong năm 2012 và nhất trí ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm vị trí đồng Chủ tịch nhóm công tác APEC về đối phó với tình trạng khẩn cấp nhiệm kỳ 2012-2013.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần này nhằm đẩy mạnh triển khai đường lối đối ngoại, tiếp tục phát huy vai trò của Việt Nam trong diễn đàn APEC thông qua tích cực đóng góp vào hợp tác APEC và các nội dung lớn của Hội nghị, phát huy những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh; tranh thủ các chương trình hợp tác APEC để phục vụ ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, đồng thời thúc đẩy hợp tác và tranh thủ ủng hộ của APEC trong những vấn đề an ninh, phát triển của Việt Nam

Minh Đăng
cand.com.vn